5 tác hại từ thói quen nhai một bên

Admin

Thường xuyên nhai một bên khi ăn có thể gây lệch mặt, rối loạn khớp thái dương hàm, mòn răng không đều, rối loạn chức năng tiêu hóa và ảnh hưởng hệ thần kinh.

Nhai là một hành động sinh lý tự nhiên, giúp nghiền thức ăn thành các mảnh nhỏ và trộn đều với nước bọt để hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Nhai một bên khi ăn là thói quen thường thấy ở nhiều người. Điều này tưởng chừng vô hại nhưng có thể là nguyên nhân của nhiều vấn đề răng - hàm - mặt, thậm chí ảnh hưởng hệ thần kinh.

ThS.BS.CK1 Trần Văn Hiều, khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175, TP HCM, cho biết việc sử dụng một bên hàm để nhai nếu diễn ra lâu dài có thể gây nhiều tác hại cụ thể như:

Lệch mặt

Thói quen này dẫn đến sự phát triển không đồng đều của cơ cắn (masseter muscle) giữa hai bên. Bên hàm nhai sẽ phì đại, trong khi bên đối diện teo nhỏ, gây mất cân đối khuôn mặt. Duy trì lâu dài có thể làm thay đổi cấu trúc xương hàm.

Rối loạn khớp thái dương hàm

Sự mất cân bằng trong lực nhai làm tăng áp lực lên khớp thái dương hàm bên nhai, gây ra các triệu chứng như đau khớp, hạn chế vận động hàm, tiếng kêu khi nhai, đau đầu và đau tai.

Mòn răng không đều

Sự phân bố lực nhai không đồng đều làm răng bên sử dụng bị mài mòn nhiều hơn, trong khi bên không sử dụng dễ bị tích tụ mảng bám, dẫn đến sâu răng, viêm nha chu, mất răng.

Rối loạn chức năng tiêu hóa

Việc nhai một bên làm giảm hiệu quả nghiền nát thức ăn, tăng gánh nặng cho dạ dày và ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu.

Ảnh hưởng hệ thần kinh

Thói quen này làm mất cân đối hoạt động giữa các dây thần kinh và cơ vùng mặt, dẫn đến đau đầu do căng cơ, rối loạn cảm giác và đau lan.

Nhiều người có thói quen chỉ nhai một bên khi ăn. Ảnh minh hoạ: Pexels

Nhiều người có thói quen chỉ nhai một bên khi ăn. Ảnh minh họa: Pexels

Theo bác sĩ Hiều, người có thói quen nhai một bên nên tập luyện nhai đều cả hai bên hàm, có thể bắt đầu bằng cách cố tình nhai ở bên ít sử dụng với thức ăn mềm để tạo thói quen mới.

Nếu nhai lệch xuất phát từ các bệnh lý răng miệng như sâu răng, lệch khớp cắn, mất răng hoặc đau vùng hàm, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị như trám răng, chỉnh nha hoặc phục hình răng.

Trong trường hợp nghiêm trọng như hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm (TMD), các biện pháp như tiêm botulinum toxin để giảm co thắt cơ, liệu pháp nội khoa hoặc phẫu thuật chỉnh hình có thể được xem xét.

Ngoài ra, mọi người cũng có thể tiếp cận các bài tập vật lý trị liệu được thiết kế để cân bằng cơ hàm và giảm căng thẳng khớp thái dương hàm như mát xa cơ cắn, bài tập mở miệng chậm và đối xứng... Với các trường hợp nghiêm trọng hơn, cần kết hợp sử dụng khí cụ nha khoa như máng nhai, theo chỉ định của bác sĩ, để điều chỉnh lực nhai và giảm căng thẳng lên khớp thái dương hàm.

Mỹ Ý