5 cách bảo vệ thính lực khi tiếp xúc với tiếng ồn

Admin

Sử dụng nút bịt tai, chụp tai chống ồn, giữ khoảng cách và giới hạn thời gian tiếp xúc với tiếng ồn, góp phần bảo vệ thính lực.

ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết ngưỡng âm thanh an toàn với tai người là nhỏ hơn 80 dB (decibel). Tiếp xúc với âm thanh trên 85 dB liên tục trong 8 giờ hoặc âm thanh từ 100 dB trong 15 phút có nguy cơ suy giảm thính lực. Tiếng ồn lớn có thể làm hỏng tế bào, màng, dây thần kinh và các cấu trúc khác của tai trong như ốc tai, dẫn đến mất thính lực, điếc.

Âm lượng của tiếng nói chuyện thông thường khoảng 60 decibel (dB), tiếng còi xe khoảng 90 dB, chương trình âm nhạc hoặc tiếng máy khoan công trường thường hơn 100 dB. Bác sĩ Phát hướng dẫn một số cách bảo vệ thính lực khi đến hoặc phải làm việc trong môi trường âm thanh lớn như sau:

Nút bịt tai chống ồn được thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, có thể giảm tiếng ồn trong khoảng 15-30 dB.

Chụp tai chống ồn có khả năng giảm tiếng ồn tốt hơn nút bịt tai. Nó hỗ trợ giảm áp suất âm thanh đến tai, thường được sử dụng khi làm việc ở công trường xây dựng, nhà máy hay tham gia sự kiện thể thao. Nên chọn dụng cụ vừa khít với cấu trúc tai, tránh khó chịu, kích thích.

Giới hạn thời gian tiếp xúc. Bác sĩ Phát cho biết nếu âm thanh khoảng 90 dB, thời gian tiếp xúc không nên quá 4 giờ, âm thanh 100 dB thì thời gian tiếp xúc là 20 phút. Người phải làm việc trong môi trường này nên có khoảng nghỉ ở nơi yên tĩnh để thính giác được phục hồi.

Điều dưỡng hỗ trợ đo thính lực cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Điều dưỡng hỗ trợ đo thính lực cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Giữ khoảng cách với nguồn tiếng ồn từ loa lớn hoặc máy phát ra tiếng ồn lớn tối thiểu 3-5 m. Ngoài ra có thể sử dụng vật liệu cách âm như cửa sổ, tấm kính để giảm tiếng ồn trong không gian sống và làm việc.

Kiểm tra thính lực định kỳ: Người làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn như nhà máy, công trường xây dựng, nên kiểm tra thính lực mỗi năm một lần để phát hiện và ngăn ngừa sớm suy giảm thính lực.

Bạn có thể sử dụng ứng dụng đo tiếng ồn trên điện thoại để xác định mức độ nguy hiểm của tiếng ồn trên 85 dB và có phương pháp bảo vệ thính lực phù hợp.

Bác sĩ Phát khuyến cáo người thường xuyên tiếp xúc tiếng ồn nếu có triệu chứng ù tai, đau tai, khó khăn khi giao tiếp, không nghe rõ nên đo thính lực ngay, không đợi đến đợt kiểm tra định kỳ.

Uyên Trinh

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp