45 năm Đại học Luật Hà Nội: Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và sứ mệnh trong kỷ nguyên mới

Admin

(Chinhphu.vn) - Ngày 10/11, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Gặp mặt truyền thống 45 năm Ngày thành lập Trường (19/11/1979 – 10/11/2024). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh dự và phát biểu tại buổi lễ.

45 năm Đại học Luật Hà Nội: Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và sứ mệnh trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh tặng hoa chúc mừng nhà trường - Ảnh: VGP/LS

Tham dự buổi lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Thành uỷ Thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh cùng các nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp, nguyên lãnh đạo nhà trường và sinh viên qua các thời kỳ

Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên cho biết, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp nói riêng đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, sự ảnh hưởng sâu rộng của hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng chuyển đổi số đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với Trường Đại học Luật Hà Nội.

Vì vậy, nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh tự chủ đại học, khẳng định vị thế hội nhập quốc tế; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá pháp lý để sớm xây dựng thành công Trường trở thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, trường đại học định hướng nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới như nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022.

45 năm Đại học Luật Hà Nội: Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và sứ mệnh trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/LS

“Vị thế, uy tín, sự lan tỏa và tầm ảnh hưởng của Nhà trường có được như hôm nay là sự kết tinh, tích lũy những thành quả truyền thống của các thế hệ thầy cô giáo, viên chức, người lao động và các thế hệ sinh viên, học viên trong suốt 45 năm qua. Giá trị truyền thống tự hào cần được trân trọng, gìn giữ phát huy và nâng lên một tầm cao mới trong chặng đường phát triển tiếp theo của Nhà trường”, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên khẳng định.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, trong chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và cả nước nói chung, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường đã và đang có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Nhiều đồng chí nguyên là cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Nhà trường đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước.

Để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, Trường Đại học Luật Hà Nội cần tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những kết quả quan trọng đạt được trong thời gian qua, đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Cụ thể là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc, hệ đào tạo, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.

Khẩn trương nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý, quản trị đào tạo, gắn với đổi mới phương pháp, nội dung, chương trình đào tạo, lấy người học làm trung tâm, công tác đào tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội, lý luận phải gắn liền với thực tiễn; phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu của học viên, sinh viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới;

Xây dựng môi trường giáo dục, điều kiện học tập lành mạnh; chú trọng giáo dục, bồi dưỡng về truyền thống và lý tưởng cách mạng; giáo dục học viên, sinh viên về đạo đức, lối sống, về sống có hoài bão, có lý tưởng và có ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, xã hội, gia đình, tạo sự lan tỏa sâu rộng, tích cực đến công tác đào tạo pháp luật của cả nước.

45 năm Đại học Luật Hà Nội: Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và sứ mệnh trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh: Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp lý gắn với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế - Ảnh: VGP/LS

Chú trọng công tác thu hút, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động bố trí cán bộ, giảng viên và sinh viên đi thực tế ở các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp lý gắn với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường chất lượng, số lượng các sản phẩm khoa học và công bố quốc tế. Tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật;

Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục sáng tạo, đáp ứng xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo. Phát triển các phương thức đào tạo mở, các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, phát triển học liệu mở trực tuyến;

Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế để phát triển các Chương trình đào tạo mới, tiên tiến, tiệm cận với trình độ của khu vực và quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo, đào tạo bằng tiếng Anh ở các bậc, hệ;

Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đại học trực thuộc Bộ Tư pháp; ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập; hoàn thành đầu tư xây dựng Cơ sở 2 tại Bắc Ninh theo kế hoạch để đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quan tâm, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Nhà trường hoàn thành mục tiêu trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật như Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chủ động, tích cực huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường khẳng định trong chặng đường tiếp theo, với sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tư pháp, sự định hướng của Thành uỷ Hà Nội, Đảng bộ Khối các trường Đại học, cao đẳng Hà Nội; Đảng bộ Nhà trường sẽ luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng Đảng bộ Trường Đại học Luật Hà Nội về chính trị, về tư tưởng, về đạo đức; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên để lãnh đạo, chỉ đạo Nhà trường trong bối cảnh mới.

45 năm Đại học Luật Hà Nội: Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và sứ mệnh trong kỷ nguyên mới- Ảnh 4.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Ảnh: VGP/LS

Cùng nhau cố gắng, nỗ lực vượt khó để tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và sứ mệnh của mình, đó là đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và truyền bá pháp lý trên cơ sở tư duy mới về pháp luật và xây dựng pháp luật; xây dựng thành công Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

GS.TS Thái Vĩnh Thắng, nguyên Trưởng khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước bày tỏ sẽ tiếp tục nỗ lực, cống hiến, sáng tạo hơn nữa, lớp trước truyền lửa, truyền nghề, truyền kinh nghiệm, truyền đam mê cho lớp sau; để trường tiếp tục phát triển vững chắc, sớm trở thành trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu, trung tâm truyền bá tư tưởng pháp lý có uy tín không những trong nước mà còn trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 19 tập thể và 44 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp tích cực cho quá trình 45 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Lê Sơn

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Công bố Nghị quyết bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà NộiCông bố Nghị quyết bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội
Tham khảo thêm
Công bố quyết định thành lập phân hiệu Trường Đại học Luật Hà NộiCông bố quyết định thành lập phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội