Béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều calo, cao hơn nhu cầu sử dụng. Lượng calo dư thừa sau đó được lưu trữ dưới dạng chất béo hoặc mô mỡ.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết một số yếu tố gây béo phì phổ biến như sau:
Gene di truyền: Di truyền đa gene và đơn gene như gene FTO là loại gene gây thèm ăn. Người mang gene này có nguy cơ béo phì, tiểu đường cao hơn. Cha và mẹ cùng béo phì khiến con cái có nguy cơ béo phì cao, một phần do gene di truyền, phần khác do các yếu tố như thói quen ăn uống, sinh hoạt giống nhau.
Tâm lý: Căng thẳng và lo âu cũng là một trong những thủ phạm gây thừa cân, béo phì. Khi stress, cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol làm tăng cảm giác thèm ăn. Người bị stress có khuynh hướng thèm ăn các thực phẩm có độ béo và hàm lượng đường cao để giải tỏa căng thẳng nên dễ tăng cân nhanh. Bên cạnh đó, căng thẳng, lo lắng thúc đẩy cơ thể sản xuất peptit - hợp chất có liên quan đến hình thành các khối mỡ, nhất là mỡ vùng bụng.

Bác sĩ tư vấn cho một người bệnh thừa cân, béo phì. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Rối loạn nội tiết: Theo bác sĩ Hoàng, cơ thể người bị rối loạn chuyển hóa lipid (do hệ thần kinh và nội tiết tố điều khiển) có xu hướng tích tụ nhiều mỡ hơn. Trong một số trường hợp, các tình trạng bệnh tiềm ẩn như suy giáp, rối loạn chuyển hóa (cushing), suy giảm chức năng tuyến thượng thận, tuyến yên cũng làm rối loạn nội tiết, dễ gây tăng cân. Một số loại thuốc chống trầm cảm, chống co giật, điều trị loạn thần... cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nội tiết tố.
Lối sống và hành vi: Chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh và dầu mỡ, thiếu rau quả tươi, sử dụng đồ uống có cồn, nước ngọt, nước trái cây, lười vận động dẫn đến tích tụ mỡ thừa, tăng cân nhanh.
Béo phì không chỉ là vấn đề ngoại hình mà còn là bệnh mạn tính với nhiều biến chứng như đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày, bệnh tim mạch... Bác sĩ Hoàng khuyên người béo phì cần có kế hoạch điều trị toàn diện từ tâm lý, chế độ ăn uống, vận động, điều trị nội khoa, sử dụng công nghệ máy móc hiện đại và ngoại khoa khi cần thiết. Người bệnh nên đi khám để bác sĩ kiểm tra, tư vấn phác đồ phù hợp.
Đức Hạnh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |