Thông tin được GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết tại Hội nghị Da liễu Đông Dương lần VI, ngày 22/11. Đây là dịp các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật phác đồ điều trị mới nhất liên quan đến da liễu, thẩm mỹ.
Ung thư da là loại ung thư gặp ở cả hai giới, với ba loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố. Loại ung thư này hay gặp ở nhóm người làm việc dưới ánh nắng mặt trời; phát triển chủ yếu trên các vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, gồm da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay và bàn tay, chân. Tổn thương cũng có thể hình thành trên lòng bàn tay, chân, vùng hay tì đè; bên dưới móng tay/móng chân, vùng sinh dục.
"Số bệnh nhân ung thư da ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa", GS Sáu nói, dẫn nghiên cứu của Bệnh viện Da liễu Trung ương trong 6 năm (từ 2017-2022) cho thấy có 1.133 bệnh nhân ung thư da điều trị nội trú tại cơ sở y tế này. Gần 70% trong số đó là ung thư biểu mô tế bào đáy, riêng 3 năm 2020-2022 có 407 ca.
Trong hai năm nay, số lượng bệnh nhân ung thư da gia tăng đáng kể. 5 năm trước, bác sĩ ít gặp bệnh nhân ung thư tế bào hắc tố, mỗi năm chỉ khoảng 25 ca, còn nay ghi nhận 1-2 ca mỗi tuần. Với bệnh nhân ung thư da nói chung, mỗi tuần viện ghi nhận khoảng 10-20 bệnh nhân khám và điều trị. Tính chung, bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân ung thư da các loại mỗi năm. Đặc biệt, nhiều thanh niên chỉ mới 20-30 tuổi đã ung thư da, không ít trường hợp cùng lúc bị nhiều loại ung thư trên cùng một nền da.
Lý giải nguyên nhân gia tăng, các bác sĩ cho biết một phần do nhận thức, hiểu biết được nâng cao, đi khám tầm soát sớm. "Nhiều bệnh nhân đọc báo, xem livestream về bệnh, quan tâm đến sự thay đổi từ các dấu hiệu nhỏ nhất trên cơ thể nên khám sớm phát hiện bệnh", GS Sáu nói, thêm rằng hiện các máy móc hiện đại ngày nay giúp phát hiện, chẩn đoán rất sớm.
Ngoài ra, TS Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, cho biết thêm tuổi thọ tăng lên, tiếp xúc với tia UV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da. Những năm gần đây, một số thay đổi trong dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng khiến nhiều người gặp phải tình trạng này. Ví dụ, bệnh nhân ghép tạng phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời làm tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào vảy.
"Trên thế giới, trong nhóm bệnh nhân ghép tạng, khoảng 60% mắc ung thư da sau 3-5 năm dùng thuốc chống thải ghép. Nguy cơ này sẽ giảm nhiều hơn nếu dùng thuốc tốt và được quản lý bệnh đúng đắn", bác sĩ Quang nói. Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về việc dùng thuốc chống thải ghép với ung thư da.
Các chuyên gia cho biết việc phát hiện sớm ung thư da, thậm chí mắc ung thư tế bào hắc tố - loại ung thư da ác tính nhất, việc điều trị sẽ nhẹ nhàng hơn, gánh nặng kinh tế được giảm nhẹ, tăng tỷ lệ sống trên 5 năm. Nhiều trường hợp phát hiện sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm đạt trên 90%, song nếu ở giai đoạn muộn, tỷ lệ này chỉ khoảng 10-20%.
Khi phát hiện nốt ruồi nếu đổi màu, to lên, tiến triển nhanh ở bất kỳ vị trí nào; người hay làm việc dưới ánh nắng mặt trời khi có tổn thương trên da, điều trị thuốc trong 2-4 tuần nhưng không hiệu quả thì nên đi khám ở nơi có chuyên ngành ung thư da.
Tại hội nghị, ngoài chủ đề về ung thư da, các chuyên gia cũng chia sẻ các vấn đề chuyên ngành da liễu như bệnh lý viêm, mạn tính; bệnh lý da hiếm gặp, di truyền; bệnh da thông thường và những vấn đề liên quan thẩm mỹ.
Lê Nga