Tp.HCM cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, ngăn ngừa dịch sởi bùng phát

Tp.HCM ghi nhận 98 ca sởi tuần qua, tăng về số lượng và phạm vi lan rộng so tuần trước song. Tuy nhiên, tiến độ tiêm ngừa vẫn còn chậm, chỉ đạt khoảng 16% số trẻ cần tiêm vắc-xin.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM, trong tuần qua (có 98 ca sởi mới, nâng số ca sởi tại Tp.HCM lên 581, trong đó 531 ca nhập viện (75-80% trẻ bệnh chưa tiêm đủ vắc-xin).

Sau khi công bố dịch sởi, Tp.HCM triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin để nâng miễn dịch cộng đồng. Trong đó, chiến dịch tiêm sởi tại các trạm y tế xuyên kỳ nghỉ lễ 2/9 đạt trung bình 4.000 mũi mỗi ngày. 

Từ 7/9, Tp.HCM khởi động chiến dịch tiêm tại trường học nhưng tiến độ đang chậm. Ước tính 125.000 trẻ 1-10 tuổi cần tiêm vắc-xin sởi đợt này, song hiện chỉ 20.000 trẻ đã tiêm.

Ngày 11/9, tại cuộc họp giao ban về phòng chống dịch sởi ở UBND Tp.HCM, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM Tăng Chí Thượng chia sẻ: "Tôi rất sốt ruột vì tốc độ tiêm chậm trong khi vắc-xin đã sẵn có, các đội tiêm cũng sẵn sàng". Ngoài ra, cơ sở tiêm chủng tư nhân như VNVC, Long Châu... cũng sẵn sàng cử đội tiêm miễn phí xuống trường học nếu địa phương yêu cầu hỗ trợ. Ông Tăng Chí Thượng đề nghị đẩy nhanh tốc độ tiêm, vừa rà soát vừa chủng ngừa.

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM chia sẻ, thời gian can thiệp tiêm vắc-xin đóng vai trò quan trọng trong giảm ca mắc và ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tốt nhất chiến dịch tiêm chủng cần hoàn thành trong 7-10 ngày để kiểm soát sởi. Một số quốc gia ghi nhận sau tuần tiêm quyết liệt, số ca bệnh sởi giảm rõ rệt.

"Số ca bệnh tăng rất nhanh với chiều thẳng đứng, nếu tiêm sớm hơn, đẩy nhanh tiến độ thì thời gian bùng dịch thu ngắn", bà Nga nói. 

Thách thức lớn nhất hiện nay là phải tăng tốc tiêm, bởi 5 tuần gần đây số ca tăng rất nhanh trong khi còn rất nhiều trẻ trong cộng đồng chưa được tiêm. Năm học mới bắt đầu nên nguy cơ cao sởi lây lan trong trường học.

Trẻ tiêm đủ 2 mũi phải được chứng minh bằng sổ, phiếu tiêm chủng, tra cứu dữ liệu trên hệ thống quốc gia, không thể công nhận tiền sử dựa trên "ký ức của bố mẹ",bà Nga lưu ý thêm.

Khi trẻ không rõ tiền sử, việc tiêm bổ sung một mũi sởi là cần thiết, đã được chứng minh không ảnh hưởng sức khỏe trẻ. Thông thường, sau khi tiêm văc-xin sởi 3-5 ngày, trẻ sẽ có miễn dịch bảo vệ khỏi bệnh.

Tp.HCM cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, ngăn ngừa dịch sởi bùng phát- Ảnh 1.

Nhân viên y tế thực hiện tiêm phòng sởi cho trẻ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Tp.Thủ Đức. (Ảnh: HCDC).

Tp.HCM sẽ kiến nghị Bộ Y tế chia sẻ quyền truy cập dữ liệu phần mềm tiêm chủng, chỉ đạo các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc việc quản lý trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, cập nhật kịp thời các thay đổi thông tin.

UBND Tp.HCM công bố dịch sởi hôm 27/8, mua 300.000 liều vắc-xin sởi - rubella (MR) từ nguồn ngân sách, khởi động chiến dịch tiêm chủng từ ngày 31/8.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi.

Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng, chống bệnh sởiBộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng, chống bệnh sởi

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tphcm-can-day-nhanh-toc-do-tiem-chung-ngan-ngua-dich-soi-bung-phat-a99002.html