Cho trẻ ăn dặm kết hợp bú sữa thế nào?

Con tôi hơn 5 tháng tuổi, sắp ăn dặm, mỗi bữa nên cho ăn trước hay bú sữa trước, chèn các bữa vào khoảng thời gian nào trong ngày? (Minh Hà, TP HCM)

Trả lời:

Bố trí thời gian ăn nên tùy vào tính cách của con, thời gian sinh hoạt của gia đình, khả năng sắp xếp nấu nướng của mẹ. Thông thường, khoảng 1-2 tuần đầu tiên ăn dặm, có thể cho con ăn một bữa mỗi ngày. Sau đó, tùy theo khả năng ăn của con, mẹ có thể tăng lên thành hai bữa mỗi ngày. Tới tầm 8-9 tháng, có thể tăng lên thành ba bữa một ngày.

Một số bé thích bú sữa hơn và một số bé thích ăn dặm hơn. Các sách ăn dặm thường khuyên cho ăn dặm trước rồi mới bú sữa. Trên thực tế, khi áp dụng, có bé quá háu ăn, rất thích ăn dặm nên sẽ ăn một lượng rất lớn. Sau khi ăn xong, bé không thể bú thêm sữa được nữa. Điều này không tốt vì hệ tiêu hóa của bé chưa đủ hoàn thiện để xử lý lượng lớn thức ăn như thế, dẫn đến ăn nhiều nhưng không hấp thu tốt dinh dưỡng. Trường hợp này nên dời cữ sữa lên trước, để trẻ bú đủ lượng sữa rồi mới ăn dặm.

Ngược lại, một số bé khi mới bắt đầu ăn dặm thường chưa ăn được tốt. Tới cữ ăn, trẻ nhất quyết đòi sữa chứ không chịu ăn. Khi đó, có thể cho con ăn sớm hơn một chút, khi mà con chưa bị đói hẳn. Hoặc, có thể cho con bú sữa trước rồi mới ăn dặm.

Trẻ ăn dặm. Ảnh: menufy

Trẻ ăn dặm. Ảnh: menufy

Ăn dặm trước hay bú sữa trước cũng phụ thuộc vào kiểu ăn dặm mà mẹ áp dụng cho con. Ví dụ, nếu mẹ cho con ăn theo kiểu BLW, con sẽ không ăn được nhiều như kiểu truyền thống hoặc ăn kiểu Nhật. Ăn dặm BLW thường không ảnh hưởng quá nhiều tới lượng sữa của con vì hầu như con chỉ tập trung luyện tập kỹ năng. Do đó, ăn dặm trước hay bú sữa trước cũng không quá ảnh hưởng.

Trong giai đoạn ăn dặm, mục tiêu chính là tập kỹ năng và tập thói quen ăn uống tốt cho con. Dưới một tuổi, dinh dưỡng của bé tới từ sữa là chính, thức ăn chỉ là phụ. Nếu tập được cho con niềm vui trong ăn uống ở giai đoạn này, đến sau một tuổi trẻ sẽ có thái độ ăn tốt và ăn được lượng nhiều hơn sau.

Lượng sữa của con có thể vẫn giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ 10-20% trong giai đoạn đầu ăn dặm. Khi đến gần một tuổi, nhu cầu năng lượng từ thực phẩm tăng dần, lúc này bữa ăn mới dần thay thế một bữa sữa. Nếu bé ăn tốt, mẹ không cần thêm sữa sau ăn. Bữa ăn dặm không nên thay thế hoàn toàn một cữ sữa của con. Do đó, nếu mẹ thấy con không ăn được nhiều thì hãy cứ bình tĩnh, không ép con.

Bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy
Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cho-tre-an-dam-ket-hop-bu-sua-the-nao-a98889.html