Chỉ khi bị chó, mèo cắn mới cần tiêm vaccine dại?

Tôi nghe nói chỉ nên tiêm vaccine dại sau khi bị chó, mèo cắn, không nên tiêm trước đó, điều này có đúng không? (Hồng Hạnh, 24 tuổi, Hà Nam)

Trả lời:

Quan điểm khi bị chó, mèo cắn mới cần tiêm vaccine dại chưa đúng. Thực tế, virus dại có thể lây qua các con đường khác như động vật dại liếm vào vết thương hở, vết trầy xước, niêm mạc mắt, mũi.

Các đường lây khác hiếm gặp hơn là hít phải không khí có chứa virus dại, ghép giác mạc và nội tạng của người bệnh dại.

Việc tiêm vaccine ngay sau khi bị động vật cắn giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch để tạo ra kháng thể. Những kháng thể đặc hiệu này có thể nhận ra virus gây bệnh, từ đó tiêu diệt chúng. Vaccine dại phát huy tác dụng tốt nhất khi được tiêm sớm.

Chó, mèo cắn có thể gây bệnh dại, cần xử trí và tiêm phòng đúng cách. Ảnh: PhotoAC

Chó, mèo cắn có thể gây bệnh dại, cần xử trí và tiêm phòng đúng cách. Ảnh: PhotoAC

Mặt khác, vaccine phòng dại có thể tiêm dự phòng trước khi bị cắn, phòng bệnh sớm, chủ động cho người có nguy cơ nhiễm virus dại như bác sĩ thú y, người chăm sóc vườn thú, kiểm lâm, đi du lịch ở xa cơ sở y tế, trẻ em thường xuyên chơi với chó mèo... Phác đồ dự phòng gồm 3 mũi vào các ngày 0-7-21 hoặc 28. Khi có vết thương chỉ cần bổ sung 2 mũi, không cần tiêm huyết thanh.

Hiện nay Việt Nam có hai loại vaccine là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Đây là vaccine dại thế hệ mới sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ nhằm tăng độ tinh khiết, đảm bảo tiêu chuẩn của WHO nên người tiêm hoàn toàn yên tâm về độ an toàn.

BS.CKI Lê Thị Trúc Phương
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/chi-khi-bi-cho-meo-can-moi-can-tiem-vaccine-dai-a98048.html