Có mẹ nào dạy con mà gặp nhiều tình huống không biết nên khóc hay cười như tôi không, quả thực bọn trẻ bây giờ thông minh, tinh ranh hơn so với bố mẹ tưởng tượng. Nhiều trường hợp, chúng còn dám lừa cả bố mẹ vì muốn đạt được mục đích cá nhân. Thằng bé tiểu học nhà tôi chính là một ví dụ điển hình.
Chuyện là nghỉ hè 3 tháng cũng đã xong, các trường tư học sinh đều đã đi học trở lại và dĩ nhiên con trai tôi cũng nằm trong số đó. Nhưng tôi hiểu mà, trẻ nhỏ đứa nào chả ham chơi. Cứ mỗi lần nhắc đến chuyện đi học là bắt đầu nghĩ ra đủ “chiêu trò” để trốn tránh.
Nghỉ hè thì tôi cũng để cho con chơi thả ga rồi, giờ đã chính thức bước vào năm học mới nên không thể dễ dãi với thằng bé được. Tôi sinh nó ra tôi chả hiểu tính con mình, nếu mẹ không sát sao, nghiêm khắc thì con cũng sẽ không tự giác học.
Ảnh minh hoạ
Từ ngày trở lại trường, tôi bắt đầu rèn con trở lại nề nếp học bài vào mỗi tối trước khi đi ngủ, cứ ăn cơm tối xong tầm 7 giờ là đứa trẻ phải bắt đầu ngồi vào bàn học. Tôi dọn dẹp nhà cửa và cũng sẽ theo dõi con cẩn thận nên thằng bé không thể nào trốn đi đâu cả. Dù khắt khe để rèn dũa con, nhưng tôi không bao giờ bắt con học quá nhiều, bình thường chỉ tầm từ 7 giờ tối đến 9 giờ là đã xong nhiệm vụ.
Đơn giản vậy mà con trai tôi còn lười biếng, tìm đủ mọi “chiêu trò” chỉ để không phải học bài, mấy ngày đầu thực hiện nghiêm túc bao nhiêu, thì càng về sau càng lơ là bấy nhiêu. Cách đây hơn một tuần, có tình huống này xảy ra khiến tôi được một phen “hú hồn hú vía” với thằng nhỏ ranh ma nhà tôi.
Chuyện là cứ đến 8 giờ tối là đứa trẻ liên tục nói với mẹ bằng giọng run rẩy, chỉ tay ra phía cửa sổ hướng ra sân nhà bảo “có người ở đó nhìn con, con sợ lắm”. Nói rồi thằng bé năn nỉ mẹ cho mình đi ngủ, sau đó nhanh chóng trèo lên giường đắp chăn tỏ rõ trạng thái sợ hãi. Điều này cũng khiến tôi có chút hoang mang, rùng mình nên quyết định kiểm tra lời con nói.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, 2,3 ngày liên tục tôi nhìn ra phía cửa sổ để xem có ai đang cố tình trêu chọc con hay không, nhưng dụi mắt mấy lần vẫn không thấy bóng người nào cả. Cuối cùng, sau nhiều lần trấn an và sử dụng biện pháp mềm mỏng, thằng bé thừa nhận tất cả là do nó tự nghĩ ra vì không muốn học bài nữa khiến tôi vừa buồn cười, vừa cảm thấy tức điên.
Tôi không ngờ con trai mình lại nghĩ ra được cái trò này để lừa mẹ. Mỗi tối chỉ học có 2 tiếng đồng hồ mà con tôi còn lười biếng thế này thì không biết suốt một ngày con ở trường, con đã học hành ra sao. Nghĩ đến chuyện đó là tôi lại vô cùng lo lắng, não nề. Còn nhỏ mà đã không có ý thức, động lực học tập thế này thì lớn lên chút nữa tôi phải rèn con khó khăn đến nhường nào. Cứ cái đà này, tương lai không biết con trai tôi có làm nên trò trống gì không nữa…
Tâm sự từ độc giả dieuhoale…@gmail.com
Trẻ ở lứa tuổi tiểu học chưa thực sự nghiêm túc trong việc học hành là điều bình thường và hay xảy ra. Bởi khi này đa phần trẻ còn có tâm lý thích chơi hơn, ghét việc phải ngồi một chỗ để học bài. Bên cạnh đó, trẻ càng không đạt được kết quả như mong muốn, thua thiệt so với bạn bè thì càng không tìm được niềm vui trong học tập. Do đó các bậc cha mẹ phải chủ động giúp con khắc phục "bệnh" lười học:
Rèn luyện tính tự lập ngay từ nhỏ
Ở mỗi lứa tuổi sẽ có những hoạt động phù hợp để con tự làm, tự trải nghiệm ngay từ nhỏ. Việc xây dựng cho con tính tự lập sớm sẽ rèn luyện con tự chủ trong mọi việc, không ỷ lại vào người khác và biết chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Cân đối thời gian giữa học tập và vui chơi
Không phải cứ học nhiều là con sẽ tiếp thu được hết tất cả. Con cần được nghỉ ngơi và giải trí một cách hợp lý để khôi phục năng lượng.
Vì vậy, cha mẹ hãy cùng con xây dựng một thời gian biểu hợp lý cho việc học và giải trí. Nhờ vậy, con mới không sợ hãi khi phải học quá nhiều, con sẽ thoải mái và yêu thích việc học hơn.
Giúp con tìm thấy niềm vui trong việc học
Có rất nhiều cách để con tìm được niềm vui và sự hứng thú trong việc học. Ví dụ: việc học phải có sự tương tác trao đổi để không bị nhàm chán, học cùng bạn bè, có sự thi đua, được khen ngợi khi việc học đạt kết quả tốt…