Những vị khách ghé thăm khu phức hợp Springline ở Menlo Park (California, Mỹ) sẽ chìm đắm bởi cảm giác thoải mái và sang trọng thường thấy ở các khách sạn cao cấp.
Không gian là những bức tường trắng ngà với lớp hoàn thiện bằng đất sét La Mã, một chiếc bàn cà phê bằng đá cẩm thạch màu xám - trắng cùng một chiếc ghế dài bằng da trắng, phía trên là tấm bảng khắc dòng chữ "Hello, tomorrow".
Mùi hương đặc trưng của Springline gợi về không khí biển mặn mòi, hoa súng trắng, xạ hương khô và dưa lưới phảng phất trong không khí.
Nhưng Springline không phải là khách sạn.
Đây là "khu nghỉ dưỡng làm việc", nghĩa là không gian văn phòng ở đây được thiết kế dựa trên cảm hứng từ khách sạn cổ điển.
Bên trong khu nghỉ dưỡng văn phòng
Springline rộng 25.800 m2, cách ga tàu Menlo Park Caltrain ở Vùng Vịnh San Francisco vài bước chân. Khu phức hợp này bao gồm hai tòa nhà văn phòng cao cấp, 9 nhà hàng, không gian làm việc ngoài trời và sân hiên - nơi mọi người có thể giao lưu và kết nối, phòng tập thể dục, máy mô phỏng chơi golf cao cấp, cửa hàng tạp hóa Italy và tòa nhà dân cư 183 căn hộ.
Giống như một điểm nghỉ dưỡng sang trọng, Springline cũng có lịch tổ chức các sự kiện cộng đồng, từ hội chợ cocktail thủ công đến các vũ trường im lặng (người tham dự nghe âm nhạc qua tai nghe không dây thay vì phát hệ thống loa).
Khu phức hợp văn phòng Springline được xây dựng không khác gì một khách sạn nghỉ dưỡng. |
Theo Cushman & Wakefield, với tỷ lệ văn phòng bỏ trống ở mức khoảng 20% tại Mỹ, các khu thương mại ở trung tâm thành phố đang cố gắng hết sức để thu hút nhân viên trở lại bằng cách bố trí cả không gian làm việc giống như khu nghỉ dưỡng, thoải mái hơn hoặc thậm chí còn hơn cả nhà của họ.
Matthias Hollwich, giám đốc sáng lập của công ty thiết kế toàn cầu HWKN, người đang thiết kế khu phức hợp nghỉ dưỡng làm việc Sky Island tại Canada Water ở London (Anh), cho biết: "Nó không giống như ở nhà, cũng chẳng giống những tòa nhà văn phòng khác. Nó mới lạ".
Ông nói thêm rằng khu "văn phòng nghỉ dưỡng" cần đáp ứng nhiều trải nghiệm hơn cả khi nhân viên làm việc tại nhà. "Vì vậy, chúng tôi mang đến điều gì đó tốt hơn, nhưng không phải biến nó thành club. Mọi người vẫn muốn đi làm để tạo ra hiệu quả".
Canteen là một trong nhiều nhà hàng trong khu phức hợp văn phòng. |
Việc chuyển đổi các văn phòng truyền thống thành không gian làm việc với các tiện nghi giống như khách sạn được gọi là "khách sạn hóa".
Amy Campbell, kiến trúc sư và cộng sự cấp cao tại Gensler ở San Francisco, nói rằng trong sự chuyển đổi này sẽ có thêm một lớp "trải nghiệm hiếu khách". Bà Campbell cho biết đang chứng kiến khách sạn hóa trong mọi lĩnh vực, bao gồm nhà ở và sân bay và bà gọi đó là "một thị trường ngách mà chúng ta sẽ thấy phát triển".
Khái niệm khách sạn hóa cũng hiện diện ngay trong chính văn phòng Campbell đang làm việc, với trải nghiệm được bà mô tả là "giống như bước vào một spa".
"Có âm nhạc, bạn có thể thưởng thức đồ uống hay ngồi trên ghế dài và làm việc một chút, hoặc đi vào văn phòng khi cần gọi điện thoại. Không gian này có thể đáp ứng những nhu cầu mọi người có thể có", bà nói.
Theo cuộc khảo sát gần đây của Gensler về nơi làm việc, đáp ứng những nhu cầu kể trên chính xác là điều giúp một nơi làm việc chuyển từ "tốt" sang "tuyệt vời".
Khảo sát cũng phát hiện ra rằng chỉ có các chức năng đơn thuần của một nơi làm việc là không đủ, thay vào đó yếu tố quan trọng nhất là "tạo ra không gian đẹp, thân thiện và truyền cảm hứng cho tư duy mới".
Nỗ lực để tạo ra những nhân viên hạnh phúc
Trong nhiều năm qua, các công ty đã cải thiện không gian làm việc của mình với hy vọng có thể thúc đẩy nhân viên làm việc tốt hơn.
Vào những năm 1870, Công ty Xà phòng Larkin ở Buffalo, New York, có phòng ăn trưa trong nhà thoáng mát, tràn ngập ánh sáng, một nhà tắm, phòng khám bệnh viện và một phòng tập thể dục.
Tòa nhà Công ty Bảo hiểm Tổng hợp Connecticut ở Bloomfield, Conn., hoàn thành vào năm 1957, có một cửa hàng bách hóa Lord & Taylor nhỏ, đường bowling và tiệm làm tóc. Và các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon có phòng nghỉ với trò chơi điện tử và sân bóng chuyền.
Tất cả đều đang nỗ lực tạo ra những nhân viên hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn - điều này cuối cùng sẽ thúc đẩy năng suất, Nikil Saval, tác giả của Cubed: A Secret History of the Workplace cho biết.
Với nhiều tiện nghi và phúc lợi, các công ty đang nỗ lực để tạo ra những nhân viên hạnh phúc. |
"Có một loại bất mãn trong lực lượng lao động đã thúc đẩy những thay đổi về thiết kế. Có ý tưởng cho rằng nếu bạn cải thiện môi trường làm việc, nó sẽ giải quyết được sự bất mãn cơ bản về công việc", ông Saval cho biết.
Nhưng nhiều người vẫn hoài nghi rằng tiện nghi phong phú rất hấp dẫn, nhưng liệu nó có khiến mọi người rời khỏi ngôi nhà thoải mái của mình, chịu đựng quãng đường đi làm xa và quay trở lại văn phòng không?
Ông Saval, hiện là thượng nghị sĩ tiểu bang Pennsylvania, cho biết ông "sẽ không phản đối việc đầu tư vào môi trường thuận lợi cho công việc và phúc lợi của mọi người", nhưng cảnh báo các công ty rằng khái niệm này có thể không hoàn toàn khắc phục được sự phản kháng khi quay trở lại văn phòng.
Nhưng đối với Mary Miller, giám đốc phát triển kinh doanh của công ty đầu tư Norwest Venture Partners, không gian văn phòng tại Springline khiến cho việc tốn 2-3 giờ di chuyển đi làm và về nhà trở nên xứng đáng.
"Khi đến Springline, bạn cảm thấy thư giãn và sảng khoái dù công việc rất căng thẳng. Có rất nhiều tiêu cực xung quanh cuộc sống văn phòng. Tôi cảm thấy như chúng tôi là một ngoại lệ. Tôi cảm thấy may mắn", Miller nói.
Quản lý văn phòng như khách sạn
Một trong những đơn vị thuê văn phòng của Springline từ năm 2022 là công ty luật Kilpatrick Townsend & Stockton. Văn phòng cũ của công ty không có nhà hàng nào gần đó và công ty trải rộng trên nhiều tầng. Joe Petersen, đối tác quản lý văn phòng của công ty, cho biết: "Tôi có thể ở trong văn phòng mà không gặp mặt bất kỳ đồng nghiệp nào khác".
Tại Springline, văn phòng của công ty luật chỉ nằm ở một tầng duy nhất. "Chúng tôi muốn có không gian để tương tác, cộng tác và không gian linh hoạt", ông Petersen nói.
Công ty có khoảng 22 luật sư và "vào bất kỳ ngày nào, khoảng một nửa đều có mặt tại văn phòng", ông Petersen cho biết. Ông nói thêm rằng lượng người đến văn phòng của công ty "tốt hơn đáng kể so với các công ty cùng ngành", điều mà ông cho rằng nhờ vào không gian làm việc, vì nó "có sức hấp dẫn" và "thu hút mọi người".
Joe Petersen là đối tác quản lý tại Kilpatrick Townsend and Stockton - công ty luật có văn phòng tại Springline. |
Nhưng để tạo ra một không gian đặc biệt và tạo cảm giác độc nhất, bạn phải chủ động quản lý không gian như thể bạn đang quản lý một khách sạn, theo Cyrus Sanandaji - CEO và nhà sáng lập của Presidio Bay Ventures, đơn vị phát triển Springline.
Mùa hè năm ngoái, Presidio Bay đã mua 88 Spear, tòa tháp văn phòng 60 năm tuổi hầu như bỏ trống ở trung tâm thành phố San Francisco. Ông Sanandaji cho biết công ty "sẽ triển khai tất cả chức năng giống như Springline theo cách thiết lập theo chiều dọc".
Bà Campbell cho biết các khái niệm khu nghỉ dưỡng làm việc khác đã phát triển trên khắp nước Mỹ: Habitat ở Los Angeles tự miêu tả mình là khuôn viên "sống - làm việc - phát triển"; Mart ở Chicago có 223.00 m2 không gian văn phòng bao gồm phòng chờ cho người thuê, quán rượu, trung tâm thể dục được nâng cấp với các lớp đạp xe riêng, phòng thiền, chuyên gia dinh dưỡng tại chỗ, giày nén tĩnh mạch Normatec và phòng xông hơi hồng ngoại.
Ở London, tòa nhà 22 Bishopsgate cao 62 tầng là nơi đặt trụ sở của 25 công ty cũng như các nhà hàng cao cấp; khu vực dành cho người đi làm có tủ khóa, chỗ để 1.000 chiếc xe đạp và một cửa hàng sửa xe đạp; các quầy hàng thực phẩm và nhà hàng; và các cơ sở tập thể dục.
Và Sky Island của ông Hollwich tại Canada Water là khu phức hợp rộng 76.000 m2 dự kiến khởi công vào mùa xuân năm sau. Sky Island sẽ bao gồm hai tòa nhà văn phòng, một quảng trường chợ mở với các gian hàng cung cấp đồ ăn, đồ uống, âm nhạc và giải trí. Sẽ có một "quầy bar máy tính xách tay" và các không gian làm việc chung và riêng khác, theo ông Hollwich - người cho biết chính ông đã đặt ra thuật ngữ "khu nghỉ dưỡng làm việc".
Sân thượng ở các tầng trên được thiết kế để khuyến khích các cuộc họp ngoài trời. Tầng trên cùng sẽ dành riêng cho "thư giãn và giao lưu" và có một spa trị liệu bằng nước mặn. Sau giờ làm, nhân viên có thể thuê thuyền kayak và xe đạp.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/xu-huong-khach-san-hoa-van-phong-a97011.html