Xu hướng không thuê nhà, sống trong khách sạn để đi làm đúng giờ

Giới trẻ Nhật chấp nhận sống trong khách sạn cả năm trời để không cần bỏ tiền thuê nhà hay chịu cảnh đi làm trong giờ cao điểm.

Nhờ các dịch vụ đăng ký lưu trú tạm thời, ngày càng nhiều người Nhật chấp nhận sống ở khách sạn trong thời gian dài để đổi lấy sự tiện lợi và thoải mái.

Dù được mặc định là một dịch vụ dành cho người giàu, chi phí để lưu trú ở khách sạn chỉ ngang với giá thuê một căn nhà ở khu vực trung tâm Tokyo. Chưa kể, những chi phí như bảo hiểm cháy nổ, điện nước, dọn vệ sinh lại được miễn phí.

Chưa đến 1.000 USD

“Tôi đã dùng thử dịch vụ này vì nghe nói không cần trả bảo hiểm cháy nổ và tiền đặt cọc”, Marimi, một nữ nhân viên văn phòng 26 tuổi ở Tokyo cho biết. Chia sẻ với Nikkei Asia, cô cho biết bản thân đã đăng ký gói thuê khách sạn khi nhận được quyết định chuyển công tác.

“Ban đầu, tôi chỉ định ở tạm cho đến khi tìm được nhà trọ mới”, cô nói. Đến nay, cô đã lưu lại khách sạn ở trung tâm Tokyo được khoảng hai năm. “Sở thích trang trí nội thất của tôi cũng thay đổi rất thường xuyên nên việc không phải mua sắm đồ đạc làm tôi cảm thấy hài lòng”.

song trong khach san anh 1

Sống trong khách sạn tiện lợi và có nhiều lợi ích hơn là thuê nhà, theo Nikkei Asia. Ảnh: Goodroom.

Cô gái đã đăng ký gói lưu trú khách sạn với một công ty bất động sản tên là Goodroom ở Tokyo. Thời gian lưu trú trong khách sạn tối thiểu là hai tuần và tối đa là ba tháng. Trung bình, khách hàng sẽ phải trả 69.800 yen (440 USD) mỗi tháng, cộng thêm phí thành viên, bảo trì và một số khoản phí dịch vụ khách sạn.

Tổng cộng, người sử dụng dịch vụ lưu trú tạm thời sẽ phải trả 100.000-150.000 yen (630-940 USD) mỗi tháng. Với số tiền này, cô có thể thuê một căn hộ ở trung tâm thành phố. “Nhưng thật tuyệt khi không phải mua thêm đồ nội thất và được sử dụng các dịch vụ khách sạn miễn phí”, cô gái 26 tuổi hào hứng chia sẻ.

Khi ngày càng nhiều công ty áp dụng các mô hình làm việc mới, ví dụ như làm việc từ xa hoặc freelancer, người lao động sẽ có nhiều lựa chọn về nơi ở hơn.

“Cái lợi lớn nhất của dịch vụ này là bạn có thể tự do chọn nơi mình sống và làm việc”, Marimi nói. “Hãy ở gần văn phòng trong thời gian công việc bận rộn và ở khu ngoại ô khi làm việc từ xa”.

Cô còn sử dụng dịch vụ giữ đồ dài hạn để thuận tiện di chuyển giữa hai khách sạn mà chỉ cần một chiếc vali.

Biện pháp đối phó lạm phát?

Ở một góc nhìn khác, các khách sạn cũng là người được lợi khi khách hàng sử dụng dịch vụ lưu trú tạm thời. Họ sẽ có một nguồn thu nhập ổn định và giảm bớt chi phí lễ tân, nhận - trả - dọn phòng.

Các dịch vụ đăng ký lưu trú ngắn hạn ở Nhật Bản như HafH và unito cũng đang phát triển hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khi giá cả ngày càng cao, chi phí sử dụng các dịch vụ này lại có vẻ phải chăng hơn trước đây.

song trong khach san anh 2

Một căn phòng có giá chưa đến 90.000 yen/tháng đang được Goodroom cho thuê thông qua hình thức lưu trú ngắn hạn. Ảnh: Goodroom.

Tháng 4, Bộ Nội vụ Nhật Bản đã công bố chỉ số giá tiêu dùng của nước này là 107,7 điểm. Giá cả của các mặt hàng tiêu dùng như khăn giấy, giấy vệ sinh, túi đựng rác cũng tăng cao khi chỉ số tiêu dùng của chúng là 121,2 điểm. Việc giá cả ngày càng cao đã làm các dịch vụ lưu trú ở khách sạn ở thành “một món hời” trong mắt những người thuê phòng.

Theo Goodroom, những người sử dụng dịch vụ đăng ký lưu trú tạm thời để làm nơi ở có độ tuổi từ 20 đến 30. Ngoài ra, không ít nhân viên văn phòng thường xuyên thay đổi nơi làm việc cũng bắt đầu sử dụng dịch vụ này.

“Hầu hết khách sạn đều ở gần ga tàu điện. Vì vậy, nếu bạn chọn được một khách sạn ở gần văn phòng thì không bao giờ phải đi tàu vào giờ cao điểm”, đại diện Goodroom cho biết. “Lẽ dĩ nhiên, các phòng khách sạn cũng được dọn dẹp thường xuyên (và miễn phí) nên điều này sẽ tiết kiệm thời gian cho khách hàng”.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/xu-huong-khong-thue-nha-song-trong-khach-san-de-di-lam-dung-gio-a92318.html