Chuyên gia y tế nêu lý do không cần quá lo lắng về bệnh bạch hầu

Không ít người dân lo ngại bệnh bạch hầu có thể lây lan như Covid-19, tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

Không hoang mang, lo lắng

Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với nữ bệnh nhân tử vong do bạch hầu.

Thông tin về bệnh bạch hầu vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận, thậm chí trên nhiều hội nhóm không ít người lo ngại bệnh sẽ lây lan giống như Covid-19, song song với đó nhiều người bày tỏ nhiều lo lắng với bệnh này.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, BS.Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho rằng, người dân không cần quá lo lắng vì bệnh bạch hầu, bởi bệnh không thể lây lan như Covid-19.

“Người dân không cần thiết phải hoang mang, bởi miễn dịch nền chúng ta đã có từ lâu và đã tiêm chủng mở rộng. Thêm nữa, phát tán bệnh bạch hầu không phải là Covid”, ông Khanh nói.

Sức khỏe - Chuyên gia y tế nêu lý do không cần quá lo lắng về bệnh bạch hầu

BS.Trương Hữu Khanh cho rằng người dân không cần thiết phải hoang mang vì bệnh bạch hầu.

Về biện pháp bảo vệ thông thường để tránh mắc bệnh bạch hầu, chuyên gia y tế cho biết, khi ở những nơi chật chội, khi có một người bị bạch hầu thì cần báo ngay cơ sở y tế để cho uống thuốc, nếu cần tiêm phòng thêm.

“Khi đến nơi đông người thì nên đeo khẩu trang. Đặc biệt là cần tiêm phòng đầy đủ”, ông Khanh nhấn mạnh.

BS.Lê Văn Thiệu- Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin thêm với Người Đưa Tin, bệnh bạch hầu không phải bệnh mới mà là bệnh truyền nhiễm cũ nổi lại.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, khả năng lây bệnh qua đường hô hấp, bệnh nhân có thể lây qua tiếp xúc gần, giọt bắn hoặc lây qua tiếp xúc đồ vật khi bị nhiễm các dịch tiết từ người bệnh.

Đặc điểm của bệnh bạch hầu là thời gian ủ bệnh khoảng 2 – 5 ngày, người bệnh sẽ có các triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ và nổi hạch ở cổ. Giai đoạn đầu, người bệnh có thể bị lẫn với các bệnh hô hấp khác. Tuy nhiên, theo BS.Thiệu khoảng giai đoạn sau người bệnh sẽ xuất hiện các giả mạc trắng dày dần lên và bám vào các khu vực thành đường hô hấp như mũi họng. Sau đó, các mảng bám dày lên dần có thể gây cản trở quá trình hô hấp.

Ngoài ra, độc tố bạch cầu có thể lan qua máu và gây ra các tổn thương mô khác trong cơ thể. Đặc biệt, tổn thương cơ tim gây viêm cơ tim. Tỉ lệ tử vong do viêm cơ tim trong bệnh bạch hầu rất lớn (khoảng 70%); gây tổn thương thần kinh, các thần kinh thường bị ảnh hưởng là thần kinh ở họng nơi giảm dẫn truyền thần kinh, gây ra khó nuốt…

Bệnh bạch hầu gây ra tỉ lệ tử vong khoảng 5-10% các trường hợp, tỉ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người lớn tuổi trên 50 tuổi.

“Những trường hợp đã tiêm phòng vắc-xin hoặc tiêm phòng vắc-xin nhắc lại sẽ không có nguy cơ lây bệnh bạch hầu. Thực tế tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn so với Covid-19”, BS. Thiệu cho hay.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng bằng vắc-xin 

Về điều trị bệnh bạch hầu, BS.Thiệu cho biết điều trị đặc hiệu là kháng sinh, phối hợp với kháng độc tố. Ngoài ra,  quan trọng là điều trị hỗ trợ bao gồm chăm sóc hô hấp, tim mạch, theo dõi các biến chứng và điều trị biến chứng cho người bệnh.

BS.Thiệu cũng khuyến cáo phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu, theo bác sĩ bệnh bạch hầu là bệnh hoàn toàn có thể dự phòng bằng vắc-xin.

Thực tế, chúng ta đã đẩy lùi được bệnh bạch hầu, ho gà khoảng 20 năm trở lại đây, số lượng ca mắc bệnh bạch hầu mới thường rất ít, lẻ tẻ, một vài trường hợp ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, tỉ lệ tiêm phòng vắc-xin không được cao.

Sức khỏe - Chuyên gia y tế nêu lý do không cần quá lo lắng về bệnh bạch hầu (Hình 2).

BS.Lê Văn Thiệu khuyến cáo người dân một số biện pháp phòng tránh bệnh bạch hầu.

“Vì vậy, tiêm phòng vắc-xin bạch hầu cho trẻ em sơ sinh từ 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi có bệnh nền mãn tính, suy giảm miễn dịch, phụ nữ chuẩn bị mang thai, người sống trong gia đình có người mắc bệnh bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là rất cần thiết. Việc tiêm phòng giúp dự phòng và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh”, BS.Thiệu cho biết.

Bên cạnh đó, tiêm nhắc lại vắc-xin với những người có nguy cơ suy giảm miễn dịch, đã tiêm vắc-xin lâu và không nhớ đã từng tiêm hay chưa.

Ngoài ra, người dân có thể dự phòng bệnh bằng biện pháp chủ động như đeo khẩu trang khi ra đường, nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn, môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ có đủ ánh sáng, dụng cụ chung như quần áo, chăn màn, tay nắm cửa… nghi ngờ có khả năng mắc bệnh, lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu từ người bệnh thì cần được vệ sinh khử khuẩn bằng nhiệt hoặc ánh sáng.

Trước đó, chiều 8/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo quy định.

Đồng thời, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường trên địa bàn; thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vaccine, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị....

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/chuyen-gia-y-te-neu-ly-do-khong-can-qua-lo-lang-ve-benh-bach-hau-a92250.html