Con khóc vì trượt nguyện vọng 1 lớp 10, cả nhà suy sụp theo

Nhận thông báo điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, thí sinh ở Hà Nội và TP.HCM thất vọng vì điểm thi không đủ để trúng tuyển vào trường yêu thích.

diem chuan lop 10 anh 1

Nhiều sĩ tử sa sút tinh thần vì không đậu nguyện vọng 1. Ảnh minh họa: Thế Bằng.

“Con thi vào lớp 10 được 42 điểm, cả nhà mừng rỡ chắc mẩm sẽ đỗ vào trường con yêu thích. Ai ngờ con thiếu 0,25 điểm, trượt nguyện vọng 1”.

Đó là tâm sự của chị Nguyễn Hồng ở Hà Nội. Năm nay, con trai chị đặt nguyện vọng 1 vào lớp 10 trường THPT Thăng Long. Biết tin không đỗ, mấy hôm, con trốn trong phòng, không muốn ăn uống, trò chuyện với bất cứ ai.

Cú sốc khi trượt cấp 3, không đỗ nguyện vọng 1

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Hồng cho biết nhiều năm liền, con chị là học sinh giỏi, gương mặt xuất sắc của lớp. Thế nhưng, một năm qua, con cũng phải “trầy trật" ôn luyện với mơ ước đỗ vào trường THPT Thăng Long.

Ngày con biết điểm thi, cả nhà hy vọng rất nhiều bởi năm ngoái, trường chỉ lấy điểm chuẩn 41. Chị Hồng kể con mong muốn đỗ vào trường đến nỗi đi đâu cũng nhờ mẹ chở qua trường để ngắm nhìn.

Thế nhưng, ngày công bố điểm chuẩn, cả nhà rối bời vì năm nay, điểm chuẩn của trường Thăng Long tăng 1,25 điểm. Đáng tiếc hơn, con chỉ thiếu 0,25 điểm để đỗ nguyện vọng 1.

“Cả một quá trình dài, con cố gắng, học ngày học đêm nên con rất thất vọng. Thầy cô, bạn bè hỏi thăm là con lại tủi thân. Thấy con buồn, nhiều lúc, tôi cũng không cầm được nước mắt. Bố mẹ cũng phải bỏ công việc ở bên cạnh động viên con vì sợ con nghĩ quẩn", người mẹ chia sẻ.

Chị Hồng nói đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 ở Hà Nội giống như "săn sale", không chỉ dựa vào sức học của con mà còn là sự may mắn. Nhà chị Hồng thuộc khu vực của trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng. Gia đình chị cũng rất thích trường ấy nhưng năm ngoái điểm chuẩn ngang ngửa trường Thăng Long nên không dám đăng ký làm nguyện vọng 2.

“Ai ngờ năm nay, điểm chuẩn giảm sốc hơn 16 điểm, ngay cả những bạn sức học thấp hơn con cũng có thể đỗ trường tốp trong khu vực, còn con thì trượt nguyện vọng 1. May mắn, con vẫn đỗ nguyện vọng 2 vào trường Hoàng Văn Thụ”, chị Hồng nói.

Kém may mắn hơn con trai chị Hồng, con gái chị Nguyễn Hương (ở Hà Nội) thậm chí trượt cả 2 nguyện vọng công lập. Mấy hôm nay, hai mẹ con chị vừa buồn vừa ân hận.

“Giá như gia đình chọn nguyện vọng phù hợp hơn, con đã có thể trúng tuyển. Bây giờ, con trượt hết nguyện vọng, không còn trường nào để học", chị Hương nghẹn ngào.

Nữ phụ huynh chia sẻ trước đó, gia đình cũng không nghĩ con sẽ trượt nên không tìm hiểu trường tư thục để dự phòng. Đến bây giờ, khi sự đã rồi, chị mới cuống cuồng tìm trường cho con.

Thế nhưng, trường ưng ý thì gia đình không có đủ điều kiện để trả tiền trả học phí. Trường có học phí rẻ hơn, chị lại không yên tâm về chất lượng hoặc đăng ký muộn nên hết suất. Cửa vào lớp 10 cứ hẹp dần, chị Hương như ngồi trên đống lửa.

“Tôi tính đến phương án cho con học trường nghề nhưng thương con, sợ con thiệt thòi hay xấu hổ với bạn bè", chị Hương nói.

diem chuan lop 10 anh 2

Bài đăng của một phụ huynh tại TP.HCM thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Không riêng phụ huynh ở Hà Nội, sau khi TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10, nhiều cha mẹ cũng rối bời khi con trượt cấp 3 hoặc không đỗ nguyện vọng như ý.

"Cả nhà cho mình xin review trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8) ạ. Bé nhà mình rớt nguyện vọng 1, 2, đang khóc quá, an ủi mãi nhưng con vẫn buồn và khóc. Mình tìm thông tin để động viên bé ạ", chị L.P. (TP.HCM) chia sẻ trên mạng xã hội.

Ở phần bình luận, vị phụ huynh cho biết thêm con gái chị đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Nguyễn An Ninh nhưng không đậu, nguyện vọng 2 cũng thiếu một ít điểm mới trúng tuyển.

Do không trúng tuyển trường yêu thích, con chị P. khóc rất nhiều, bản thân người mẹ cũng đau lòng vì thương con.

Còn nhiều lối đi khác

Trao đổi với Tri Thức - Znews về chuyện trúng tuyển của học sinh, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), nói rằng kỳ thi lớp 10 tại các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, đều có những căng thẳng nhất định.

Với tình hình thi cử như vậy, học sinh trúng tuyển, dù là nguyện vọng 1, 2 hay 3, đều là điều đáng khen và đáng được chúc mừng.

Với những học sinh, phụ huynh chưa chấp nhận kết quả trúng tuyển nên chưa xác nhận nhập học, muốn đổi nguyện vọng hoặc phúc khảo bài thi, thầy Phú khuyên mọi người nên bình tĩnh và nhìn nhận rõ vấn đề.

Theo quy định, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng nào thì phải xác nhận nhập học trường đó, không thể đổi sang trường khác. Thầy Phú nhấn mạnh điều này phụ huynh và học sinh đều đã được nhà trường phổ biến và tuyên truyền nhiều lần trước khi kỳ thi lớp 10 diễn ra.

“Kết quả đã có, chúng ta cần phải học cách chấp nhận điều đó. Nếu trúng tuyển, học sinh nên xác nhận nhập học trong thời gian quy định để tránh bị xóa tên. Các em không xác nhận nhập học đồng nghĩa với việc từ chối suất học. Những suất bị từ chối này sẽ được tuyển sinh bổ sung. Nhưng các em ở lưu ý, ở TP.HCM, nguyện vọng bổ sung chỉ dành cho những thí sinh rớt cả 3 nguyện vọng, không dành cho thí sinh đã đậu nhưng từ chối nhập học”, thầy Phú nhấn mạnh.

diem chuan lop 10 anh 3

Học sinh vẫn còn nhiều lựa chọn nếu trượt nguyện vọng 1 công lập. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn.

Ngoài ra, thầy Phú đề cập đến việc định hướng cho trẻ chọn con đường khác nếu các em trượt hoặc không muốn nhập học. Theo đó, cha mẹ có thể hướng cho con học trường tư thục, dân lập hoặc theo học tại trường trung cấp nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp.

Nhìn chung, thầy Phú nói rằng điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là học sinh và phụ huynh cần xác định được hành trình tiếp theo để lên kế hoạch cụ thể, đồng thời lắng nghe tư vấn từ nhà trường để giúp con bước vào hành trình học tập mới. Dù là trường tư thục hay trường nghề, trẻ vẫn có thể phát huy tốt nếu các em thực sự cố gắng và quyết tâm cao.

“Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Các em vẫn còn những lối đi khác, trượt nguyện vọng 1 không có nghĩa là đánh mất tất cả. Thời gian này, các em có thể dành thời gian để tham gia các hoạt động mới hoặc học kỹ năng mới để trau dồi bản thân. Điều này giúp các em giảm áp lực, mở rộng quan hệ xã hội và có cái nhìn tích cực hơn về việc học tập”, hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân gợi ý.

Về phần mình, chị Nguyễn Hồng cho biết sau vài ngày được gia đình và thầy cô động viên, con trai chị đã lấy lại bình tĩnh. Hai mẹ con “chốt" sẽ nhập học nguyện vọng 2, vào trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội). Đồng thời, chị và con cũng làm đơn phúc khảo, mong con được cộng thêm 0,25 điểm Văn nữa để đủ điểm trúng tuyển.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/con-khoc-vi-truot-nguyen-vong-1-lop-10-ca-nha-suy-sup-theo-a91919.html