Ăn cơm rượu thổi nồng độ cồn có lên?

Tôi thường ăn cơm rượu vào Tết Đoan Ngọ, liệu tiêu thụ thực phẩm này có khiến hơi thở chứa cồn không? (Tuấn, 32 tuổi, Hà Nội).

Trả lời:

Cơm rượu nếp chính là linh hồn của Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm dân gian, vị dẻo thơm của cơm nếp hòa cùng men nồng cay cay của rượu có tác dụng loại bỏ những ký sinh có hại trong cơ thể.

Việc ăn cơm rượu không ảnh hưởng đến điều khiển phương tiện giao thông, song vẫn khiến hơi thở có cồn. Theo luật, người điều khiển ôtô, xe máy, mô tô không được phép có cồn trong máu khi đang lưu thông, tức chỉ cần có cồn trong máu là bị phạt.

Để an toàn nhất, bạn có thể nghỉ ngơi 30 phút sau ăn, súc miệng, uống thêm nước lọc rồi mới lái xe ra đường. Trường hợp đo vẫn lên, bạn có thể đề nghị cán bộ cho nghỉ thêm 15 phút rồi đo lại. Công an có những nghiệp vụ để đánh giá chính xác việc bạn có sử dụng rượu bia hay không, trước khi xử phạt.

Cơm rượu lên men có lợi cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Quỳnh Trần

Cơm rượu lên men có lợi cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Quỳnh Trần

Hiện cũng không có con số chính xác tuyệt đối sau uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể. Nó phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và cơ địa từng người. Những người chức năng gan suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì nồng độ cồn chuyển hóa sẽ lâu hơn nhiều.

Bạn có thể thử ước tính lượng bia rượu uống và thời gian cơ thể thải hết cồn, bằng cách điền các chỉ số vào bảng dưới đây:

Các chuyên gia khuyến cáo nam không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày, nữ không quá một đơn vị cồn một ngày và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hay lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/an-com-ruou-thoi-nong-do-con-co-len-a89862.html