Loạt nhà hàng ở 'thiên đường ẩm thực' đóng cửa giữa bão giá

Áp lực lãi suất, chi phí đầu vào tăng cao và khách thắt chặt hầu bao đang đẩy loạt nhà hàng ở Australia đến bờ vực đóng cửa.

Trong nhiều thập kỷ, Sydney (Australia) được biết đến là "thiên đường ẩm thực" hàng đầu thế giới. Nhưng hiện tại, thành phố đang rơi vào khó khăn khi loạt nhà hàng cao cấp nhất đóng cửa, nhiều nơi trong đó là nạn nhân của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cùng những ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch.

Nhà hàng đình đám Redbird Chinese đã đóng cửa. Tháng trước, đầu bếp nổi tiếng Kylie Kwong tuyên bố cô sẽ đóng cửa quán ăn Lucky Kwong và nghỉ hưu. Nhà hàng nổi tiếng Tetsuya's, có lịch sử 35 năm, sẽ đóng cửa vào tháng 7. Nhiều địa điểm lân cận nổi tiếng cũng đang xác định thời gian ngưng hoạt động.

Các chủ kinh doanh trong toàn ngành đổ lỗi cho sự khó khăn mọi mặt, từ lãi suất và tiền trả lương nhân viên đều tăng, cho đến giá cả cao ngất ngưởng và hậu quả sau đại dịch.

Các quy định về nơi làm việc sắp được đưa ra vào cuối tháng 8, nhằm cải thiện các tiêu chuẩn tối thiểu cho người lao động bình thường, bao gồm cả tiền lương, cũng đang được quan tâm.

dong cua nha hang anh 1

Kylie Kwong sắp đóng cửa nhà hàng của mình. Ảnh: Lucky Kwong.

Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính CreditorWatch Pty Ltd, tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp khách sạn Australia, đã ở mức cao nhất trong 5 năm, thậm chí có thể sẽ tăng nhanh hơn nữa. Lạm phát cao và vấn đề lãi suất là nguyên nhân chính.

Suresh Manickam, giám đốc điều hành của tổ chức công nghiệp Restaurant and Catering Australia, chỉ ra chi phí vận hành một quán ăn ngày càng tăng, bao gồm cả những chi phí liên quan đến năng lượng và lãi suất. Trên hết, người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao.

"Hiện có rất nhiều thách thức. Hầu hết đầu vào của kinh doanh đều tăng giá. Chúng tôi không biết có thể cắt giảm thứ gì", Manickam nói.

Theo dữ liệu của chính phủ, lĩnh vực lưu trú và dịch vụ ăn uống là ngành bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai sau xây dựng ở Australia, với 1.751 trường hợp mất khả năng thanh toán trong 11 tháng tính đến tháng 5. Việc thanh lý phần lớn được thúc đẩy bởi các nhà khai thác vừa và nhỏ với lượng dự trữ tiền mặt thấp hơn.

Áp lực chi phí và doanh số không chỉ tồn tại ở Australia, và không giới hạn riêng trong ngành ăn uống. Chuỗi cửa hàng Red Lobster của Mỹ đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 5 do sự thất bại của chương trình buffeet "Tôm hùm bất tận", cùng với chi phí lao động cao và một số lý do khác. (Khoảng 100 trong gần 600 cơ sở của chuỗi này dự kiến đóng cửa).

Tại Sydney, Hamish Ingham và đối tác Rebecca Lines, nhóm đứng sau Redbird và quán ăn Mexico Tequila Daisy, cho biết môi trường kinh tế hiện nay còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Kwong, người chuyên nấu các món đặc sản Quảng Đông trong không gian nhỏ của Lucky Kwong ở Redfern, nói với Sydney Morning Herald rằng "áp lực lạm phát" đã góp phần khiến cô quyết định đóng cửa.

"Mọi người cảm nhận được nó. Tôi chưa từng thấy ngành nhà hàng rơi vào khó khăn như hiện tại", Kwong nói.

Chuỗi nhà hàng bít tết Botswana Butchery đã đóng cửa 3 chi nhánh ở Australia vào tháng 5 sau khi công ty mẹ Good Group Australia tham gia quản lý tự nguyện một tháng trước đó.

Tại Melbourne, nhà hàng kết hợp châu Á nổi tiếng Gingerboy đổ lỗi cho "áp lực thị trường" khiến nhà hàng phải đóng cửa sau 18 năm. Và Hunter St. Hospitality, thuộc sở hữu của Quadrant Private Equity, đã đóng cửa nhà hàng Italy sang trọng Rosetta Ristorante.

dong cua nha hang anh 2

Trái ngược xu hướng, Elizabeth Bay đang tranh thủ thời điểm giá tài sản giảm để thu mua và mở rộng quy mô của mình. Ảnh: Elizabeth Bay Cafe.

Một số chủ nhà hàng đang tận dụng tình hình hiện tại bằng cách thu mua những tài sản gặp khó khăn với giá chiết khấu.

Vào tháng 5, chủ sở hữu quán cà phê Elizabeth Bay, Phillip Stavrou đã thêm địa điểm thứ 4 vào danh mục đầu tư của mình. Stavrou nói: "Chúng tôi không hề phát triển mạnh, nhưng chúng tôi nhận ra rằng bây giờ là thời điểm tốt để củng cố và mở rộng quy mô của mình khi những người khác đang đóng cửa. Tình hình sẽ không u ám mãi".

Nhà điều hành hy vọng có thể vượt qua thời kỳ suy thoái hiện tại sau 12 đến 18 tháng nữa. Anh làm việc nhiều giờ và cố gắng giảm chi phí để duy trì lợi nhuận.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/loat-nha-hang-o-thien-duong-am-thuc-dong-cua-giua-bao-gia-a89300.html