Nối thành công ngón tay đứt lìa cho bệnh nhi 3 tuổi bị quạt chém
Bệnh viện thành phố Thủ Đức (Tp.HCM) vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhi 3 tuổi, bị quạt chém vào tay chảy máu nghiêm trọng.
Ngày 5/6, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị quạt chém vào tay chảy máu nghiêm trọng.
Theo lời kể của gia đình, bé P.H.A. (3 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương) qua nhà hàng xóm chơi và cho tay vào quạt khi quạt đang hoạt động.
Sau khi sơ cứu tại một bệnh viện gần nhà, bé được đưa đến Khoa Cấp Cứu của Bệnh viện thành phố Thủ Đức. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng 2 ngón tay thứ 3 và 4 đứt lìa hoàn toàn đốt giữa bao gồm xương, gân và mạch máu. Phần đứt lìa có nguy cơ hoại tử nếu không được khâu nối kịp thời để tái tưới máu trong vòng 6 tiếng sau tai nạn.
Sau khi nhập Khoa Cấp cứu, bé được các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình hội chẩn đánh giá, xét nghiệm, nhanh chóng đưa lên phòng mổ trong vòng 30 phút. Đứng trước lựa chọn tạo mỏm cụt 2 ngón hoặc nối ngón, các bác sĩ đã giải thích cho người nhà hiểu và tin tưởng trước khi tiến hành ca mổ.
Nhờ bệnh viện được trang bị sẵn kính hiển vi phẫu thuật siêu phóng đại, sau 3 tiếng phẫu thuật, ê-kip cấp cứu đã nối thành công các động mạch chính, tĩnh mạch kèm theo để khôi phục lại tuần hoàn cho phần ngón đã đứt lìa.
Kỹ thuật này đòi hỏi sự khéo léo và chính xác đến từng micromet, để đảm bảo lòng mạch được thông nối, không bị hẹp tắc. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng đông duy trì bằng bơm tiêm điện để tránh tắc miệng nối. Đánh giá lại sau 12 ngày, vết thương khô, không nhiễm trùng, phần ngón đứt lìa hồng hào, tưới máu tốt.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Đình Thế, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện thành phố Thủ Đức, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật trên cho biết: “Ê-kíp đã rất cố gắng phối hợp cùng với bác sĩ gây mê vì là bệnh nhi và ca mổ kéo dài với nhiều nguy cơ trong gây tê và gây mê.
Trẻ em rất hiếu động, các bậc phụ huynh cần trông nom cẩn thận, đặc biệt là khi mùa nắng nóng đang đến rất gần, nhu cầu sử dụng quạt máy làm mát gia tăng, nguy cơ tai nạn cho trẻ là rất cao. Đối với các trường hợp vết thương phức tạp cần xử trí đúng và kịp thời đưa đến những cơ sở y tế gần nhất”.
"Ngoài ra, khi trông trẻ người lớn cũng cần hết sức chú ý và luôn đặt trẻ trong tầm mắt của mình, tuyệt đối không cho con chơi ở nơi không có người giám sát. Trẻ nhỏ chưa ý thức về sự nguy hiểm cũng như biết cách bảo vệ bản thân.
Dù ở trong nhà vẫn có nguy cơ xảy ra rất nhiều tai nạn nguy hiểm như điện giật, té từ trên cao, phỏng nước sôi, té vào cạnh bàn, ghế, ăn uống nhầm các loại hóa chất,… cực nguy hiểm nên bố mẹ cần hết sức lưu ý. Với những đồ vật có thể gây thương tích cho trẻ như quạt máy, dao kéo, các vật nhọn,… bố mẹ tốt nhất nên để xa tầm với của trẻ nhỏ.
Riêng với các thiết bị như quạt máy, bố mẹ có thể gắn lưới bảo vệ, chọn các loại quạt an toàn, rút điện khi không sử dụng và giải thích cho con hiểu việc tự ý cho tay vào cánh quạt sẽ gây nguy hiểm như thế nào", bác sĩ Thế khuyến cáo thêm.