Số ca mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao
Sáng 5/6, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 5/2024, ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, tính đến hết ngày 31/5, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 15/44 bệnh truyền nhiễm, với 1.334 trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Đắk Mil.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, một số ca mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, sốt xuất huyết 463 ca, tăng 164 ca; bệnh tay chân miệng 164 ca, tăng 132 ca; bệnh lao phổi 65 ca, tăng 15 ca; bệnh cúm 43 ca, tăng 4 ca.
Cũng tính đến ngày 31/5, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông ghi nhận 48 ổ dịch tại 7 huyện, thành phố. Trong đó, sốt xuất huyết 26 ổ dịch (chiếm 54,1%); thuỷ đậu 9 ổ dịch; tiêu chảy 8 ổ dịch; tay chân miệng 5 ổ dịch.
Tại Tp.Gia Nghĩa có số ổ dịch sốt xuất huyết Dengue cao nhất, với 19 ổ dịch (chiếm 83 %) tổng số ổ dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh. Một số huyện như Đắk R’Lấp, Đắk Song cũng đang có xu hướng gia tăng ca mắc trong các tuần gần đây.
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, cúm gia cầm, chân tay miệng,..) không để bùng phát thành dịch, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, trên cơ sở chỉ đạo của cơ quan chuyên môn Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, UBND tỉnh, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo về chuyên môn.
Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông cũng đang tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai các đợt giám sát phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thường quy và nhiều đợt giám sát hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó, chú trọng bệnh sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, dại… tại các huyện, thành phố.
Đồng thời, hỗ trợ xử lý các ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại các điểm nóng trên địa bàn toàn tỉnh và tại các địa phương có số ca bệnh truyền nhiễm mắc cao đặc biệt các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tử vong cao. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, xử lý ổ dịch ngay sau khi phát hiện, khống chế không để dịch bệnh lan rộng.
Nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue sẽ bùng phát
Ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông thông tin thêm, trong những năm qua, dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue đã lưu hành thường xuyên. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có sự lưu hành của 3 tuýp vi rút: Den-1, Den-2 và Den-4. Mặt khác, hiện nay mưa đã xuất hiện trên diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
Tuy nhiên, người dân vẫn còn thờ ơ, chưa tự giác thực hiện hoạt động xử lý các ổ lăng quăng/bọ gậy cũng như loại bỏ các dụng cụ có nguy cơ chứa nước ngay tại hộ gia đình,... Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản, phát triển nên nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue sẽ bùng phát trong thời gian tới là rất lớn.
Đối với dịch bệnh tay chân miệng có thể gia tăng cao vào các tháng 8, 9,10 khi học sinh bắt đầu đi học.
Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue. Trong đó, chú trọng tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo sát sao trong công tác diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết Dengue duy trì hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy.
Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xuyên, liên tục để phát hiện sớm các ổ dịch. Đồng thời, thực hiện khoanh vùng, xử lý theo đúng quy định ngay sau khi ghi nhận ổ dịch để hạn chế sự lây lan trên diện rộng và giảm thiểu tối đa các trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng và tử vong.
Mặt khác, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra hỗ trợ địa phương và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp truyền thông có chủ đích, chủ điểm tùy theo từng đối tượng, địa phương, phát huy vai trò truyền thông trên mạng xã hội.
Đối với bệnh tay chân miệng, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các cơ sở điều trị tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế tử vong; thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch "ăn sạch, uống sạch, ở sạch"; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Ngoài ra, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra, hỗ trợ địa phương và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Đối với các bệnh truyền nhiễm khác, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo theo dõi tình hình trên các trang web của Bộ Y tế, WHO và CDC Hoa Kỳ, …. để thu thập, phân tích, đánh giá cụ thể nguy cơ từng bệnh để phản ứng nhanh, đáp ứng kịp thời với công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.
Mặt khác, tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo,…).
Qua đó, khuyến cáo người dân khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm nói riêng và có yếu tố bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe trong gia đình hoặc tại cộng đồng cần thông báo cho Trạm Y tế trên địa bàn để được tư vấn, hướng dẫn điều trị, cách ly theo quy định...
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/dak-nong-ghi-nhan-1334-truong-hop-mac-benh-truyen-nhiem-a88403.html