Thấy gì từ điểm chung của 'Mai', 'Cái giá của hạnh phúc', 'Lật mặt 7'

Điểm chung của "Mai", "Cái giá của hạnh phúc" và "Lật mặt 7: Một điều ước" là phản ánh thực trạng gia đình Việt Nam ngày nay với các xung đột thế hệ bắt nguồn từ nhiều lý do.

Là khán giả từng xem cả ba phim kết hợp quan sát phản ứng của mọi người tại rạp, tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, chuyên gia giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) đánh giá các tác phẩm có khả năng lấy nước mắt người xem bằng những câu chuyện thật thêm thắt yếu tố drama.

Mai, Cái giá của hạnh phúc và Lật mặt 7: Một điều ước đặc biệt khắc họa thực tế phổ biến của đời sống gia đình Việt, ví dụ: khác biệt về giá trị sống giữa các thế hệ, khuôn mẫu lỗi thời về người mẹ, người vợ; trách nhiệm của vợ chồng/cha mẹ và con cái; tầm thường hóa việc trả thù các thành viên trong gia đình bằng mưu mô, bạo lực v.v.

Tất cả đều được thảo luận trong talkshow “Quan hệ giữa các thành viên gia đình qua vài phim Việt gần đây" diễn ra hôm 1/6 tại TP.HCM.

Lat mat 7,  Mot dieu uoc,  Mai,  Gia dinh,  Cai gia hanh phuc anh 1

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng trong buổi trò chuyện sáng 1/6. Ảnh: Hồ Lam.

Quyền lực hay áp lực?

Bà Hai (Thanh Hiền, phim Lật mặt 7: Một điều ước), bà Dương (Xuân Lan, phim Cái giá của hạnh phúc) và Mai (Phương Anh Đào, phim Mai) là ba người phụ nữ ở ba thế hệ với số phận và trọng trách khác nhau trong gia đình.

Bà Hai một tay nuôi nấng năm người con ở huyện nghèo Lạc Dương (Lâm Đồng) vì chồng mất sớm. Lớn lên, mỗi người con rời tổ ấm, lập nghiệp nơi phương xa, chỉ còn con gái Ba Lành (Đinh Y Nhung) sống gần bà.

Ngày nọ, bà Hai gặp tai nạn, phải nương nhờ các con. Họ quyết định mỗi người sẽ đón mẹ về sống chung trong một tuần và bốc thăm phân chia thứ tự. Nhờ vậy, bà biết các con luôn vật lộn với những vấn đề khác nhau, khiến bà không thể an lòng và đôi khi phải can thiệp để giúp chúng tìm ra lối thoát.

Trong khi đó, bà Dương ngỡ rằng mình có thể gìn giữ "vỏ bọc" gia đình kiểu mẫu: vợ chồng thành đạt, hạnh phúc; con cái ngoan ngoãn, có nền tảng giáo dục tốt.

Song, biến cố ập đến ngay đêm tân hôn của con trai đã phá nát tất cả: chồng bà Dương - ông Thoại (Thái Hòa) ngoại tình với con dâu. Từ đây, bà Dương đắm chìm trong kế hoạch trả thù đầy mưu mô, đến nỗi người xem tự hỏi "Phải chăng cái giá của hạnh phúc là quá đắt?".

Lat mat 7,  Mot dieu uoc,  Mai,  Gia dinh,  Cai gia hanh phuc anh 2

Bà Dương do siêu mẫu Xuân Lan thủ vai. Ảnh: LaLaLand.

Cuối cùng là Mai - người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi nhưng luôn gặp trắc trở, đau khổ triền miên. Hình tượng nhân vật Mai cũng chính là motif quen thuộc trong phim ảnh hay văn học.

Theo tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Mai hội tụ đủ kiểu bất hạnh có thể xảy ra với người phụ nữ: bị hãm hiếp thời trẻ, làm mẹ đơn thân, gia đình không trọn vẹn (người cha - Trấn Thành thủ vai - chưa thực hiện đúng chức năng đối với con cái), thậm chí bị chèn ép ở nơi làm việc và gặp người yêu không xứng đáng với mình.

Vì thế, khi xây dựng nhân vật, Trấn Thành có dụng ý rằng đứa con gái tên “Bình Minh” có lẽ là niềm hy vọng duy nhất của "(Ngày) Mai".

Qua ba trường hợp trên, tiến sĩ Phượng cho rằng những người phụ nữ này đều đang chịu áp lực vun vén, gìn giữ mái ấm gia đình.

Lat mat 7,  Mot dieu uoc,  Mai,  Gia dinh,  Cai gia hanh phuc anh 3

Qua từng gia đình, bà Hai chứng kiến những khó khăn, vất vả mà con cháu mình phải đối mặt. Ảnh: Ly Hai Production.

Nếu Mai không thể dứt khoát nói "Không" sau nhiều lần nhượng bộ đòi hỏi vị kỷ từ cha, bà Dương ngay từ đầu lại vẽ nên bức tranh “gia đình hoàn hảo” khiến người ngoài ngưỡng mộ, người trong bức bối. Vì lẽ đó, mặc cho con gái thuyết phục mẹ thoát khỏi cuộc sống với "người đàn ông không ra gì", bà nhất quyết không ly hôn để giữ thể diện và làm tròn trách nhiệm bảo vệ hạnh phúc gia đình.

"Còn bà Hai giống như 'bà tiên', 'người mẹ vạn năng', tức bị gắn với trách nhiệm làm chỗ dựa cả đời cho con. Khi xem phim, tôi băn khoăn về người con cả có tính tự lập từ bé và thành đạt sau này, song vẫn đợi mẹ ghé qua ở nhà mình một tuần để giải quyết mọi vấn đề tồn đọng trong gia đình như chuyện vợ chồng, con cái đi học…", tiến sĩ Phượng dẫn chứng thêm.

Đáng nói là khả năng giải quyết êm xuôi các vấn đề trong gia đình không mang đến quyền lực cho phụ nữ, ngược lại còn gia tăng áp lực "xây tổ ấm" không cần thiết.

Lat mat 7,  Mot dieu uoc,  Mai,  Gia dinh,  Cai gia hanh phuc anh 4

Nhân vật Mai được khắc họa là đối tượng yếu thế. Ảnh: NSX.

Trên thực tế, từ "power" trong tiếng Anh có hai cách hiểu tương ứng hai giới: "quyền lực" (nam giới) và "quyền năng" (nữ giới). "Quyền lực" có nghĩa là sức mạnh áp đảo khiến người khác làm theo ý mình, còn "quyền năng" là khả năng tác động hoặc thực hiện điều gì đó.

Ví dụ, nhân vật Mai được khắc họa là đối tượng yếu thế - không địa vị, tiền bạc và thua thiệt nhiều mặt - nhưng vẫn có quyền năng tác động đến cảm xúc người khác dù là hạnh phúc hay khổ đau.

"Mai có quyền năng đối với người cha và con gái vì cung cấp phương tiện sống cho họ, nhưng cô ấy là 'nạn nhân' của áp lực, trách nhiệm hơn là quyền lực thực sự. Đặt áp lực quá triệt để, cứng nhắc lên người nữ hoặc nam đều không cần thiết - trải nghiệm trong lịch sử dân tộc đã chứng minh vai trò của họ có thể hoán đổi cho nhau", tiến sĩ Phượng nói.

Cha mẹ có cần "già cậy con"?

Trong Lật mặt 7: Một điều ước, mỗi người con của bà Hai đều gánh trên vai những khó khăn không dễ nói. Và vì thế mà không ai trong số các con đủ khả năng chăm sóc mẹ chu đáo khi bà gặp tai nạn.

Phụng dưỡng cha mẹ về già là vấn đề muôn thuở của các gia đình Việt. Nhiều người con cảm thấy "mắc kẹt" giữa trách nhiệm báo hiếu và hoàn cảnh thực tế của bản thân.

Tại buổi talkshow hôm 1/6, một số góc nhìn đáng suy ngẫm đã được trình bày bởi người tham gia:

Khi đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức, cha mẹ đã tận hưởng quá trình sinh thành, nuôi dưỡng con cái, để rồi nhận được thành quả là con cái lớn lên khỏe mạnh. Cha mẹ có thể không mong con đền đáp công ơn mà xác định tự chăm lo cho mình khi về già.

Mẹ tôi khá giống hoàn cảnh của bà Hai trong phim, tức có nhiều con và con cái đã có cuộc sống riêng. Người già đôi khi muốn tự lo, nhưng tuổi tác cao dẫn đến nhiều rào cản sinh hoạt. Họ cần con cái ở bên quan sát, hỗ trợ là vì vậy. Hơn nữa, lương tâm của một người con không cho phép tôi bỏ mặc mẹ, trong khi các thiết chế dành cho người cao tuổi ở Việt Nam, như viện dưỡng lão, vẫn tồn tại định kiến.

Lat mat 7,  Mot dieu uoc,  Mai,  Gia dinh,  Cai gia hanh phuc anh 5

Những người con của bà Hai đều gánh trên vai bao khó khăn không dễ nói mà "thủ phạm" là cái oái oăm của cuộc sống gây ra. Ảnh: ĐPCC.

Từ đây, tiến sĩ Bùi Trân Phượng nhận định xã hội Việt Nam khó duy trì mô hình gia đình "tứ đại đồng đường" (bốn thế hệ cùng một nhà - PV) như xưa, mà đa phần là gia đình hạt nhân (cha mẹ và con cái - PV).

Cách cha mẹ "cậy" con và trách nhiệm của con cái theo đó cũng đổi khác. Áp lực cạnh tranh và gánh nặng kinh tế đặt lên thế hệ trẻ khiến việc chăm sóc cha mẹ cao tuổi khó tiếp tục được thực hiện theo phương thức cổ truyền.

"Cha mẹ già sống một mình là thực trạng phổ biến, không bác bỏ được. Mọi thiết chế xã hội, gia đình cần lưu tâm điều này", bà Phượng nói và lấy ví dụ rằng mình cũng có nhu cầu sống một mình, giúp con cái yên tâm bằng cách chủ động chăm sóc bản thân thật tốt.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các thành viên trong gia đình cần công khai thảo luận để tìm kiếm giải pháp phù hợp với nguyện vọng đôi bên, thay vì lén lút bàn bạc sau lưng cha mẹ lớn tuổi như cách các con bà Hai từng làm, tiến sĩ Phượng kết luận.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/thay-gi-tu-diem-chung-cua-mai-cai-gia-cua-hanh-phuc-lat-mat-7-a88260.html