Sau thảm kịch OceanGate, giới siêu giàu vẫn chưa từ bỏ đam mê này

Sự cố tàu Titan khiến ngành công nghiệp phát triển tàu lặn cá nhân lao đao. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, một số tỷ phú, triệu phú vẫn chưa nguôi tham vọng khám phá biển sâu.

tau lan anh 1

Đáy đại dương ngoài khơi bờ biển Sebastian, Florida (Mỹ), ngập tràn kho báu vô giá. Suốt 3 thế kỷ qua, giữa những dải rong biển trôi nổi, nơi đây đã chôn giấu vô số đồng tiền vàng của hạm đội tàu Tây Ban Nha bị đắm.

Cách đó hơn 30 km trong đất liền, nằm tại khu công nghiệp không mấy nổi bật giữa vùng đầm lầy là những con tàu có khả năng tiếp cận kho báu chìm sâu.

Triton Submarines, được thành lập vào năm 2008, là một trong những nhà sản xuất tàu lặn cá nhân hàng đầu, phục vụ cho khách hàng giàu có với khát vọng khám phá thế giới dưới nước.

Patrick Lahey, người đồng sáng lập và CEO của công ty, được cho là một trong những người vận hành tàu lặn giàu kinh nghiệm nhất thế giới.

Ông từng lái tàu lặn đến điểm sâu nhất đại dương, cách mặt nước hơn 10.668 m ở Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, khoảng một năm trước, công việc của ông gặp thách thức lớn, theo Wall Street Journal.

Sự khác biệt giữa các loại tàu lặn

Mọi chuyện bắt đầu diễn ra vào ngày 18/6/2023 khi Titan - tàu lặn do OceanGate chế tạo - phát nổ trong chuyến khám phá xác tàu dắm Titanic. Thảm kịch khiến cả 5 hành khách trên tàu thiệt mạng và biến thế giới tàu lặn cá nhân từ lĩnh vực xa xỉ thành mối quan tâm quốc gia.

Một số cơ quan chức năng, bao gồm Cảnh sát biển Mỹ, Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ và Ủy ban An toàn Giao thông Canada, đã mở cuộc điều tra về OceanGate nhằm xác định nguyên nhân và ngăn chặn sự cố xảy ra lần nữa.

Vào tháng 7/2023, OceanGate thông báo đình chỉ hoạt động trên trang web của mình.

tau lan anh 2

Tàu lặn Titan của OceanGate Expeditions. Ảnh: OceanGate Expeditions.

Vụ việc cũng khiến ngành công nghiệp phát triển tàu lặn cá nhân rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Một số người, chưa bao giờ bước chân vào tàu lặn, đã thề sẽ không bao giờ sử dụng loại tàu này. Ngay cả một số người ưa mạo hiểm, đam mê tàu lặn cũng phải dừng lại và suy ngẫm.

Trong bối cảnh đó, Triton và đối thủ cạnh tranh - U-Boat Worx, có trụ sở tại Hà Lan - đã cố gắng làm rõ sự khác biệt giữa tàu lặn của họ với tàu của OceanGate.

Các công ty này cho biết họ cần nhấn mạnh sự khác biệt then chốt giữa tàu lặn “classed” - được chứng nhận là an toàn và đạt tiêu chuẩn - và tàu lặn “unclassed”.

Cả Triton và U-Boat Worx đều được các hiệp hội chuyên môn hàng hải kiểm nghiệm để có chứng nhận an toàn. Ngược lại, Titan không được chứng nhận và chế tạo bằng các thiết kế và vật liệu thử nghiệm như sợi carbon dễ bị nứt sau nhiều lần lặn.

Do đó, Lahey và đồng nghiệp nhìn nhận vụ tai nạn OceanGate không phải dấu hiệu cho thấy tàu lặn là phương thức vận chuyển nguy hiểm. Họ cho biết thực tế, những con tàu loại này đặc biệt an toàn nhờ quá trình kiểm tra nghiêm ngặt.

Giới siêu giàu chưa nguôi tham vọng

Lahey nhớ lại lại việc bị cười nhạo khi bắt đầu bán tàu lặn cá nhân tại triển lãm vào đầu những năm 2000. Hồi đó hiếm ai sở hữu hay khao khát có tàu lặn riêng.

Ngày nay, tàu lặn trở thành phụ kiện phổ biến cho những chiếc du thuyền dài trên 45 m. Tại trụ sở của Triton, Pagoo - tàu lặn trị giá 50 triệu USD trước đây thuộc sở hữu của đồng sáng lập Microsoft Paul Allen, đang được trưng bày. Chiếc tàu lặn độc nhất vô nhị này được trang bị bồn rửa đặc biệt, thiết kế bởi Dale Chihuly trị giá 40.000 USD.

Ray Dalio, nhà tài chính tỷ phú và người sáng lập quỹ phòng hộ khổng lồ Bridgewater, đã bị cuốn hút mạnh mẽ bởi tàu lặn khoảng 12 năm trước.

Là người hâm mộ suốt đời của nhà thám hiểm dưới đáy biển Jacques Cousteau, ông sở hữu tàu nghiên cứu dài khoảng 86 m mang tên OceanXplorer, chứa 2 tàu lặn.

“Đối với tôi điều đó (cuộc sống dưới biển) rất thú vị”, Dalio chia sẻ.

“Bạn có thể nhìn thấy các loài, san hô, địa hình, nhưng còn hơn thế nữa. Đó là một thế giới khác. Đại dương có ảnh hưởng rất lớn đến khí hậu, đến cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách: Thương mại, thực phẩm và rất nhiều thứ chưa được khám phá”, ông nói thêm.

Khi được hỏi về nỗi e ngại mới đối với tàu lặn sau thảm kịch OceanGate, Dalio - người cho biết ông đã lặn cùng con cháu - bày tỏ ngạc nhiên.

“Trong tình huống đó, họ đang thử nghiệm, họ không có chứng nhận, và họ không đại diện cho tàu lặn thực sự”, Dalio nói. “Bất cứ ai có kiến thức sẽ không do dự”.

Dù vậy, thị trường vẫn suy yếu đáng kể sau vụ việc OceanGate.

Ở Hà Lan, triển vọng thậm chí còn ảm đạm hơn. Vào năm 2022, U-Boat Worx đã tung ra mẫu Nemo - chiếc tàu lặn nhỏ có giá khoảng 650.000 USD.

Đây được coi là giá khiêm tốn trong một ngành mà hầu hết chủ sở hữu đều có tài sản ròng ở mức 9 con số - đủ trả cho chiếc siêu du thuyền cần thiết để hạ thủy tàu lặn.

Trong khi đó, Nemo có thể được hạ thủy từ bãi biển bằng phương tiện đường ray trị giá 60.000 USD. Kế hoạch của U-Boat Worx là đưa mô hình này vào lịch trình sản xuất và tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.

Khách hàng tiềm năng là những người có sở thích khám phá rạn san hô nông, chứ không phải là đối tượng cực kỳ giàu có, sẵn sàng chi hàng chục triệu USD để đi đến đáy rãnh Mariana.

tau lan anh 5

Nhân viên chuẩn bị một chiếc tàu ngầm mới để lặn thử. Ảnh: Wall Street Journal.

Giám đốc thương mại của U-Boat Worx, Erik Hasselman, cho biết mặc dù không ai hủy đơn đặt hàng, công ty nhanh chóng nhận thấy nhu cầu “giảm nhiệt”.

“Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ suy giảm, đặc biệt là trong một thị trường nhỏ như vậy, nhưng tôi sẽ quy điều này trực tiếp là do vụ Titan”, ông nói.

Hasselman cho biết công ty đã cho thôi việc 40 trong số 85 nhân viên kể từ vụ nổ.

“Thảm kịch này đã tác động tiêu cực đến sự quan tâm của mọi người đối với tàu lặn”, Lahey của Triton cho biết. “Nó khơi lại những huyền thoại xa xưa rằng chỉ có kẻ điên mới lao vào một trong những thứ này”.

Như không gian vũ trụ, biển sâu vẫn là biên giới mà con người chưa khám phá được hết. Nó chứa vô số phần thưởng - kho báu, khoáng sản và các dạng sống chưa được khám phá.

Những điều bí ẩn này thu hút hầu hết mọi người đến với thế giới tàu lặn.

Tuy nhiên, việc dè dặt bước vào bên trong ngay cả một chiếc tàu lặn “classed” đã được chứng nhận là điều dễ hiểu. Có 3 nỗi ám ảnh liên quan đến điều này.

Đầu tiên là nỗi sợ không gian hẹp. Không gian cá nhân bên trong tàu lặn tương đương với một ghế hạng phổ thông trên chuyến bay nội địa, và hành khách có thể cảm giác bị nhốt trong bong bóng kín.

Thứ hai là nỗi sợ đại dương - nỗi sợ mãnh liệt đối với các vùng nước lớn và sâu cùng điều khủng khiếp mà chúng có thể ẩn chứa.

Và cuối cùng là nỗi sợ không gian rộng, khoảng trống. Khi tàu lặn xuống, ánh sáng khúc xạ hoàn hảo qua lớp vỏ acrylic của tàu đến nỗi nó dường như biến mất, khiến một số hành khách cảm thấy trơ trọi, như thể họ có thể thực sự bị cuốn trôi. Hơn nữa, những tàu lặn khi lặn đủ sâu sẽ xuống đến nơi thiếu vắng hoàn toàn ánh sáng mặt trời.

Dù vậy, chỉ vài ngày sau vụ nổ, điện thoại của Lahey reo lên.

“Chúng tôi có khách hàng, một người đàn ông tuyệt vời”, Lahey nói. “Anh ấy gọi cho tôi và nói: 'Bạn biết đấy, điều chúng ta cần làm là chế tạo tàu lặn có thể lặn xuống (độ sâu ngang mức xác tàu Titanic) nhiều lần và an toàn. Nó sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng các bạn có thể làm được điều đó, rằng Titan chỉ là cỗ máy hỏng".

Người đàn ông đó là Larry Connor - nhà đầu tư bất động sản ở Ohio, người từng lặn xuống rãnh Mariana và lên tới Trạm vũ trụ quốc tế.

Connor nói qua điện thoại: “Tôi muốn cho mọi người trên toàn thế giới thấy rằng mặc dù đại dương có sức mạnh tự nhiên to lớn, nhưng nó có thể rất tuyệt vời, thú vị và thực sự có thể thay đổi cuộc sống nếu bạn tiếp cận nó đúng cách”.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/sau-tham-kich-oceangate-gioi-sieu-giau-van-chua-tu-bo-dam-me-nay-a88162.html