Bệnh nhi chuyển lên Tp.HCM điều trị
Liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tỉnh Đồng Nai, đến nay, theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, đã có 529 ngộ độc nghi ăn bánh mì. Đáng nói, có 2 ca bệnh nhi tiên lượng rất nặng.
Trước tình hình hình đó, Cục An toàn thực thẩm, Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã vào cuộc, chỉ đạo Sở Y tế Đồng Nai cứu chữa, phối hợp tìm nguyên nhân.
Đồng thời, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực phía Nam như Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, các bệnh viện nhi đồng tuyến trên trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa nếu cần thiết.
Một số bệnh nhi nặng đã được Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mời các bác sĩ giỏi chuyên về hồi sức tích cực chống độc tại thành phố Hồ Chí Minh để hội chẩn, điều trị như bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2.
Ngày 5/5, chia sẻ với PV Người Đưa Tin, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, vừa qua khoa này đã tiếp nhận và tích cực điều trị cho bệnh nhi P.H.M. (bệnh nhi nam, 14 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai).
Theo đó, bệnh nhi nhập viện vì sốt, tiêu chảy, trước đó có triệu chứng sốt, đau bụng, tiêu chảy phân lỏng xanh.
Người nhà đưa đến bệnh viện được các bác sĩ tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết.
Bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn và được tích cực điều trị kháng sinh và các thuốc hỗ trợ. Hiện sau 2 ngày điều trị đã hết sốt, các triệu chứng đều thuyên giảm.
Được biết, bệnh nhi là một trong những em liên quan vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai chuyển lên.
Bác sĩ khuyến cáo gì khi nghi ngộ độc thực phẩm?
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trẻ bị ngộ độc thực phẩm là khi ăn, uống nhầm thực phẩm bị nhiễm trùng (vi trùng, virus, nấm, ký sinh trùng…) hoặc tồn dư hóa chất. Các vi trùng gây bệnh trực tiếp hoặc sinh các loại độc tố gây hại cơ thể.
Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt…hoặc các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch… Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1-2 ngày.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thủy, những lưu ý khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm gồm: Nếu trẻ chỉ nôn ói, tiêu lỏng 1-2 lần, không có dấu hiệu khác, bé vẫn tiếp tục sinh hoạt, ăn uống bình thường thì phụ huynh có thể tự theo dõi, chia nhỏ bữa ăn, uống thêm nước, không tự ý dùng các chất gây nôn.
Nếu trẻ nôn ói nhiều, không ăn uống được, phân có máu, hoặc có các dấu hiệu khác như: sốt cao khó hạ, co giật, li bì, mệt thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời thăm khám.
Các bác sỹ khuyến cáo về biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm như sau:
Ăn đồ chín, còn hạn; ăn chín, uống sôi; hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng.
Tách biệt đồ sống và chín, có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống; nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống.
Khi không để tủ lạnh cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi muỗi.
Đun lại thức ăn thừa ở nhiệt độ hơn 70 độ C trước khi ăn.
Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường.
Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh....
Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ.
Nguyễn Lành
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tinh-hinh-suc-khoe-benh-nhi-nghi-ngo-doc-o-dong-nai-chuyen-len-tphcm-a85166.html