Mưa lớn gây ngập lụt ở Dubai, UAE, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình giao thông. Ảnh: Anadolu. |
Khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng nhiều, các đô thị hiện đại trên thế giới dần “đuối sức”. Lũ lụt ở Dubai vào tuần trước là ví dụ điển hình cho vấn đề này.
Nhờ công nghệ hiện đại và nguồn tài chính dồi dào, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã xây dựng thành phố trên nền cát - một dạng địa hình “không thể sinh sống”. Tuy nhiên, điều này cũng thay đổi tính chất của môi trường tự nhiên, làm cho hệ thống hấp thụ nước tự nhiên không thể hoạt động.
Đồng thời, sự phát triển của các thành phố cũng làm thu hút ngày càng nhiều người dân đến sinh sống và làm việc Từ đó, rác thải sinh hoạt cũng gia tăng. Hai yếu tố này đã làm tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt ở thành phố khi những trận mưa lớn xuất hiện.
Bê tông hóa và rác thải sinh hoạt
Theo thống kê, lượng mưa trong hai ngày 15-16/4 ở Dubai đạt mốc 25 cm - gần gấp đôi lượng mưa trung bình hàng năm của UAE. Theo CNBC, lượng mưa hàng ngày ở UAE sẽ ngày càng cao làm thời tiết ngày càng tồi tệ.
Tuần trước, đã có ý kiến cho rằng các thí nghiệm gieo mưa mà UAE sử dụng đã góp phần tạo ra trận mưa khiến cư dân có cảm giác như “tận thế”. Tuy nhiên, điều này đã bị chính quyền và nhiều chuyên gia thời tiết bác bỏ.
Dubai được xây dựng trên cát, một dạng môi trường có khả năng hấp thụ nước nhanh chóng. Tuy nhiên, để xây thành phố, người ta đã đổ một lượng lớn bê tông lên nền cát tự nhiên của Dubai. Do đó, khả năng thoát nước hiệu quả của môi trường đã bị con người vô hiệu hóa. Lượng mưa vào tuần trước được ghi nhận là cao nhất trong vòng 75 năm trở lại đây.
Lượng mưa trong một ngày ở UAE hiện nay gần gấp đôi lượng mưa trung bình hàng năm. Ảnh: Anadolu. |
“Thành phố từng có một hệ thống thoát nước tự nhiên, giúp đưa nước trực tiếp đến các khu vực ngậm nước và trở thành nguồn nước dự trữ. Tuy nhiên, sau khi lát đường nhựa, hệ thống này đã bị vô hiệu hóa”, Kiến trúc sư Ana Arsky, Giám đốc điều hành của công ty môi trường 4 Habitos Para Mudar o Mundo, chia sẻ.
Đồng thời, dân số tăng nhanh và xu hướng đô thị hóa thường gắn liền với sự gia tăng chất thải sinh hoạt. Mặc dù không xuất hiện trên đường phố, rác thải thường bị tập kết ở một địa điểm địa điểm nào đó - thường là không phù hợp.
Do vậy, các nhà quản lý phải tổ chức chôn lấp rác thải sinh hoạt - đa phần được làm từ nhựa và hấp thụ nước rất kém. Từ đây, hệ thống thoát nước tự nhiên của thành phố lại bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Hệ thống thoát nước ở các thành phố đang "đuối sức" so với những cơn mưa liên tục vì biến đổi khí hậu. Ảnh: Anadolu. |
Ở những thành phố lâu đời như New York, hệ thống thoát nước cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Mùa thu 2023, người dân New York đã đối mặt với tình trạng trường học, đường sá và nhà cửa bị ngập nghiêm trọng. Hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt cũng phải dừng hoạt động khi lượng mưa trong ngày đạt hơn 20 cm.
Nếu không có sự chuẩn bị thích hợp, các cống thoát nước nhân tạo, với đầy ắp rác sinh hoạt, sẽ không thể thoát nước kịp thời dẫn đến lũ lụt trong thành phố.
“Hệ thống thoát nước trên thế giới không thể bắt kịp tốc độ biến đổi khí hậu”, Tiago Marques, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Greenmetris.AI cho biết. “Chúng đang bị bão hòa và không thể hấp thụ được lượng mưa vừa rơi xuống thành phố. Điều này cuối cùng sẽ gây ra lũ lụt đô thị”.
Lũ lụt trăm năm một lần rút ngắn còn vài năm
Công nghệ có thể giúp các cơ quan quản lý đối phó với các vấn đề về thời tiết. Greenmetrics.AI đặt các cảm biến thông minh ở những khu vực dễ bị ngập lụt để cảnh báo người dân, chính quyền khi mức nước dâng quá cao. Nhờ đó, chính quyền có thể nhanh chóng chuẩn bị hệ thống thoát nước và làm sạch cống để hạn chế lũ lụt.
Trong trường hợp lũ lụt là không thể tránh khỏi, công nghệ này có thể giúp người dân có thời gian sơ tán và các nhà lãnh đạo kịp thời đóng cửa trường học, cơ quan nhà nước… để giảm thiểu thương vong.
Sân bay Quốc tế Dubai ngập như hồ nước sau cơn mưa hai ngày 15-16/4. Ảnh: Sky News. |
“Những thảm họa thường xảy ra 100 năm một lần bắt đầu xảy ra với tần suất 10 năm”, Marques nói. “Trong tương lai, lũ lụt 10 năm có một sẽ có tần suất vài năm một lần. Chúng ta cần phát triển các công nghệ phù hợp để chạy đua với biến đổi khí hậu”.
Vapar, một công ty khởi nghiệp đã hợp tác với chính phủ Australia và Anh, cũng phát triển sản phẩm robot giúp kiểm tra đường ống, cống thoát nước của thành phố. Công nghệ này giúp hạn chế lũ lụt ở thành phố khi các cơn bão ập đến.
4 Habitos Para Mudar o Mundo của Arsky cũng giúp người dùng phân loại chất thải bằng trí tuệ nhân tạo và đưa rác đến khu vực thích hợp. Điều này làm giảm áp lực cho hệ thống thoát nước của thành phố. Công ty của Arsky đang nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng có khả năng hấp thụ nước tốt để góp phần khôi phục hệ thống thoát nước tự nhiên của thành phố.
Lũ lụt thường xuyên ở những khu vực đông dân nhất thế giới là một lời nhắc nhở về sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Điển hình là lũ lụt ở Dubai. “Biến đổi khí hậu không phân biệt đối xử, nó xảy ra trên toàn thế giới”, Arsky nói.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/loi-canh-bao-toi-toan-trai-dat-tu-tran-lut-tan-the-o-dubai-a84319.html