Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 26 ổ bệnh dại trên động vật tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, ở đồng bằng sông Cửu Long, bệnh dại trên động vật xảy ra 5 ổ dịch ở 4 tỉnh (Long An, Kiên Giang, Trà Vinh và Cà Mau).
Tại Cà Mau, ngày 11/3, tại ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm (thành phố Cà Mau) ghi nhận trường hợp chó cắn liên tiếp 3 người cùng địa phương.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã ghi nhận 2 ổ dịch dại trên động vật, cho thấy tình hình bệnh dại đang diễn biến phức tạp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tăng cường rà soát trên các địa bàn lân cận để không bỏ sót các trường hợp bị chó nghi dại cắn tương tự.
Đồng thời, khuyến cáo những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn, đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam.
Còn ở tỉnh An Giang, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang, tháng 1/2024, toàn tỉnh đã có 3.754 người tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm huyết thanh kháng dại do chó, mèo cắn.
Ngày 13/3, Sở NN&PTNT An Giang có công văn gửi Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh An Giang yêu cầu góp ý để trình UBND tỉnh ra công văn chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật.
Cụ thể, trong 2 ngày 7 và 8/3, một con chó thả rông, chưa tiêm phòng bệnh dại trên địa bàn xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú có biểu hiện dại đã cắn 3 người dân.
Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI, con chó này dương tính với virus bệnh dại.
Trước đó, ngày 10/3, một con chó thả rông khác tại ấp Bình Đức, xã Bình Phú (huyện Châu Phú) tiếp tục cắn 3 người.
Kết quả xét nghiệm, con chó này dương tính với virus bệnh dại.
Trước tình hình bệnh dại trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan chuyên môn liên quan, đặc biệt là cơ quan y tế và thú y thực hiện giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch.
Đồng thời, tăng cường quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Đặc biệt, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương có nguy cơ cao.
Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cơ quan y tế thực hiện giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại và tổ chức tiêm phòng vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo bảo đảm tỷ lệ trên 70% tổng đàn trong năm 2024.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/xuat-hien-nhieu-o-dich-dai-tren-dong-vat-o-cac-tinh-mien-tay-a80896.html