Khi Facebook sập trên toàn cầu vào tối 5/3, Trần Hà Thủy (29 tuổi) đang xem một vài clip trên YouTube. Khi nhiều người đang thắc mắc vì sao Messenger bị lỗi không thể nhắn tin, cô đang tìm danh sách phát nhạc để chuẩn bị đi ngủ.
Nữ nhân viên văn phòng này chỉ biết nhiều ứng dụng, mạng xã hội của Meta gặp sự cố khi đến văn phòng vào sáng hôm sau, lúc này mọi thứ đã được xử lý xong xuôi.
"Hiện tại, tôi không còn sử dụng Facebook thường xuyên như trước. Lần đăng nhập gần nhất của tôi là cách đây khoảng 4 ngày. Tôi có thể giải trí, theo dõi tin tức và nhắn tin cho bạn bè, nói về công việc trên những nền tảng khác", Thủy chia sẻ với Tri thức - Znews.
Sự cố kéo dài hơn một tiếng của Facebook và Instagram có thể khiến nhiều người hoang mang, Meta thiệt hại lớn. Tuy nhiên, với những người như Thủy và nhóm "có hay không có mạng xã hội cũng được", đó chỉ là một tin tức không ảnh hưởng gì đến họ vào sáng hôm sau.
Không nhớ lần gần nhất mở Facebook
Tương tự Hà Thủy, Lê Đức (25 tuổi, làm việc trong ngành truyền thông), nói rằng anh thậm chí còn không nhớ lần gần nhất mình mở ứng dụng Facebook là khi nào.
Thay vào đó, anh kiểm tra Instagram, cũng thuộc sở hữu của công ty mẹ Meta, trước khi đi ngủ, lướt TikTok khoảng 2 giờ/ngày vì mọi thứ anh thích đều được đề xuất nhanh chóng ở đây.
Quay trở lại thời năm nhất đại học, Đức chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó Facebook sẽ không còn là ứng dụng yêu thích của mình. "Lúc đó, có lẽ tôi chỉ lướt Facebook. Đó là nơi tôi vừa giải trí, vừa học tập, làm việc nhóm, tìm thông tin...".
Thế nhưng, hiện tại, Đức nói Facebook của anh "chẳng còn gì thú vị". "Mọi người nói họ tài giỏi thế nào, gia đình tuyệt vời ra sao, khoe con cái, nhà cửa... Những người khác vào bình luận để khen ngợi xã giao. Tôi không thấy điểm gì chung với cuộc sống của mình cả".
Các ứng dụng, mạng xã hội của Meta bị lỗi toàn cầu vào tối 5/3. |
Mạng xã hội Facebook, ra đời trước cả iPhone, đã tồn tại được 2 thập kỷ. Đối với những người trưởng thành vào giai đoạn Mark Zuckerberg ra mắt thefacebook.com từ phòng ký túc xá Harvard của ông vào năm 2004, Facebook đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày của họ, ngay cả khi sức ảnh hưởng đã phần nào mờ nhạt dần theo thời gian.
Al Jazeera nhận định rằng ngày nay, Facebook phải đối mặt với một thách thức đặc biệt kỳ lạ. Nền tảng có 3 tỷ người dùng mỗi tháng, hơn 1/3 dân số thế giới, và 2 tỷ lượt đăng nhập mỗi ngày. Tuy nhiên, mạng xã hội này đang chật vật để thu hút thế hệ người dùng tiếp theo, giải bài toán về sự thích ứng cũng như tương lai cho chính mình sau 20 năm tồn tại.
Thời hoàng kim đã qua
Trong gần một thập kỷ đầu tiên, Facebook là nền tảng văn hóa, là thứ liên tục được nhắc đến trong các cuộc trò chuyện hàng ngày và chương trình truyền hình đêm khuya. Sự hình thành của nền tảng này thậm chí còn là chủ đề của một bộ phim Hollywood.
Đối thủ MySpace, ra mắt trước Facebook một năm, đã nhanh chóng trở nên lỗi thời khi những đứa trẻ sành điệu đổ xô vào Facebook. MySpace không thể trụ nổi và cuối cùng được bán cho News Corp vào năm 2005.
"Facebook thành công vì so với MySpace, đây là khu vực tương tác, tích hợp tuyệt vời mà trước đây chúng tôi không có và chúng tôi thực sự khao khát sau khi vật lộn với MySpace quá lâu", Moira Gaynor, người dùng Facebook 28 tuổi, cho biết.
Sau 20 năm tồn tại, Facebook đang cố gắng thu hút thế hệ người dùng tiếp theo. |
Tự nhận là người có tầm nhìn xa, Mark Zuckerberg từ chối bán Facebook và thúc đẩy công ty vượt qua cuộc cách mạng di động. Trong khi một số đối thủ nổi lên - ví dụ như Orkut - rồi lụi tàn, Facebook tăng trưởng nhanh, bất chấp những vụ bê bối về quyền riêng tư của người dùng, sự thù ghét không được giải quyết và thông tin sai lệch. Facebook đạt tới một tỷ người dùng hàng ngày vào năm 2015.
Debra Aho Williamson, nhà phân tích của Insider Intelligence, người đã theo dõi Facebook từ những ngày đầu thành lập, lưu ý rằng lượng người dùng trẻ tuổi của trang này đang giảm dần nhưng không thấy Facebook đưa ra giải pháp gì thiết thực, ít nhất trong tương lai gần.
AOL cũng đã từng rất hùng mạnh, nhưng cơ sở người dùng của nó đã già đi và giờ đây, địa chỉ email aol.com chỉ là trò trêu chọc đối với những người mù tịt về công nghệ.
Chìa khóa cho vấn đề
Tom Alison, người đứng đầu Facebook (chức danh của Zuckerberg hiện nay là Giám đốc điều hành Meta), vẫn tỏ ra lạc quan khi ông vạch ra kế hoạch của nền tảng này nhằm thu hút giới trẻ trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin The Associated Press.
"Chúng tôi từng có một nhóm tại Facebook tập trung vào người trẻ hơn hoặc có thể có 1-2 dự án chuyên đưa ra những ý tưởng mới. Nhưng khoảng 2 năm trước, chúng tôi thấy rằng toàn bộ dòng sản phẩm của mình cần thay đổi, phát triển và thích ứng với nhu cầu của giới trẻ", Alison nói.
Ông gọi đó là kỷ nguyên "khám phá xã hội".
"Nó được thúc đẩy rất nhiều bởi những gì chúng tôi thấy thế hệ tiếp theo mong muốn từ mạng xã hội. Cách đơn giản mà tôi muốn mô tả là chúng tôi muốn Facebook trở thành nơi bạn có thể kết nối với những người bạn biết, những người bạn muốn biết và những người bạn nên biết", Alison nói.
Facebook đối mặt với vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. |
Trí tuệ nhân tạo (AI) là trọng tâm của kế hoạch này. Giống như TikTok sử dụng AI và thuật toán của mình để hiển thị cho mọi người những video mà họ còn không biết là mình muốn xem, Facebook đang hy vọng khai thác công nghệ mạnh mẽ để giành lại trái tim và nhãn cầu của giới trẻ.
Reels, những video giống TikTok mà người dùng Facebook và Instagram bị bủa vây khi đăng nhập vào cả 2 ứng dụng, cũng là chìa khóa cho vấn đề.
Facebook đã liên tục từ chối tiết lộ thông tin nhân khẩu học của người dùng. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết số lượng người dùng trẻ của nền tảng đang giảm dần.
"Giới trẻ thường định hình tương lai của truyền thông. Về cơ bản đó là cách giúp Facebook phát triển. Và chúng tôi thấy điều đó xảy ra với mọi nền tảng mạng xã hội xuất hiện sau Facebook", Williamson cho biết.
Năm 2023, Insider Intelligence ước tính rằng khoảng một nửa số người dùng TikTok ở độ tuổi 12-24. Công ty nghiên cứu dự kiến đến năm 2026, khoảng 28% người dùng Facebook ở Mỹ trong độ tuổi 18-34, so với gần 46% đối với TikTok và 42% của Instagram.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/sang-thuc-giac-moi-biet-tin-facebook-sap-toan-cau-a80355.html