Lướt mạng xã hội đã đồng nghĩa với cuộc sống ở thế kỷ XXI. Năm này qua năm khác, các nền tảng mới với thuật toán thông minh hơn đưa chúng ta vào thế giới trực tuyến có tính gây nghiện cao hơn, theo The Conversation.
Mặc dù có quá nhiều nền tảng truyền thông xã hội, hầu hết mọi người đều có xu hướng nghĩ đến “5 nền tảng lớn”: Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và TikTok.
Nghiên cứu cho thấy mọi người có nhiều lý do khác nhau để bỏ một hoặc nhiều ứng dụng này. Một số người xóa app vì lo ngại những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các cô gái trẻ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do xem những bức ảnh selfie đã được chỉnh sửa trên Instagram.
Mọi người cũng chọn từ bỏ vì không thích quảng cáo, cảm thấy đang lãng phí thời gian hoặc lo lắng về quyền riêng tư của mình. Nhưng câu hỏi đặt ra là việc không dùng mạng xã hội có giải quyết được những lo ngại này không?
Câu trả lời phức tạp
Phó giáo sư John Malouff - Trường Khoa học Hành vi, Nhận thức và Xã hội, Đại học New England - cho biết rất khó để xác định liệu từ bỏ mạng xã hội có mang lại lợi ích rõ ràng và lâu dài hay không.
Nghiên cứu năm 2020 cho thấy những người đã bỏ mạng xã hội nhận thấy sự cải thiện trong các mối quan hệ thân thiết và hài lòng khi không bị so sánh với những người khác. Nhưng một số người cũng cho biết họ bỏ lỡ khía cạnh thông tin và giải trí của nó.
Trong một nghiên cứu năm 2018, các nhà nghiên cứu đã đánh giá trạng thái tâm lý của 143 sinh viên đại học Mỹ trước khi chỉ định ngẫu nhiên một nhóm giới hạn 10 phút hàng ngày cho Facebook, Instagram và Snapchat trên mỗi nền tảng.
Có nhiều lý do khiến một số người xóa các ứng dụng mạng xã hội. Ảnh: NBC News. |
Ba tuần sau, những người hạn chế sử dụng mạng xã hội cho thấy mức độ cô đơn và trầm cảm giảm đáng kể. Tuy nhiên, không có ảnh hưởng đáng kể đến sự lo lắng hoặc hạnh phúc.
Trong một nghiên cứu khác vào năm 2019 với 78 người tham gia, một nửa được yêu cầu tạm dừng sử dụng Facebook và Instagram trong một tuần. Trước sự ngạc nhiên của các nhà nghiên cứu, những người này lại gặp phải tác động tâm lý ít tích cực hơn so với nhóm hoạt động thường xuyên trên mạng xã hội.
Các kết quả nghiên cứu vẽ ra nhiều bức tranh khác nhau, cho thấy mối quan hệ giữa con người với không gian ảo và cách mạng xã hội ảnh hưởng đến chúng ta đều rất phức tạp.
Hạn chế nghiên cứu
Dường như không có nghiên cứu nào được công bố đánh giá tác động lâu dài của việc vĩnh viễn bỏ mạng xã hội. Điều này có lẽ là do rất khó tìm được những người tham gia đồng ý với nhiệm vụ từ bỏ mạng xã hội mãi mãi.
Một điều quan trọng cần cân nhắc là tỷ lệ phần trăm cá nhân đã bỏ mạng xã hội cuối cùng vẫn sử dụng trở lại. Các lý do quay lại bao gồm cảm giác bị bỏ rơi, sợ mất kết nối, muốn lấy lại quyền truy cập vào thông tin thú vị hoặc hữu ích, áp lực xã hội phải tham gia lại hoặc đơn giản là cảm thấy việc từ bỏ không phải là lựa chọn đúng đắn.
Thiếu nghiên cứu để kết luận liệu từ bỏ mạng xã hội có khiến cho con người giảm bớt lo âu. Ảnh: Unsplash. |
Ngay cả khi các nhà nghiên cứu tìm thấy một nhóm đủ lớn những người sẵn sàng từ bỏ mạng xã hội vĩnh viễn thì việc theo dõi lâu dài sẽ tốn rất nhiều nguồn lực. Ngoài ra, sẽ rất khó để tìm ra mức độ hài lòng trong cuộc sống của người tham gia tăng (hay giảm) là do việc bỏ mạng xã hội chứ không phải các yếu tố khác.
Như vậy, hiện tại không có bằng chứng khoa học nào cho thấy từ bỏ mạng xã hội mang lại lợi ích lâu dài. Và trong ngắn hạn, kết quả là rất khác nhau.
Từ bỏ hay tiếp tục?
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc từ bỏ mạng xã hội (trong thời gian ngắn hoặc dài) sẽ không có lợi cho một số người. Điều này sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân cũng như lý do của mọi người.
Các nghiên cứu đều thống nhất rằng cách bạn sử dụng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm tiêu cực hay tích cực. Bằng cách sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức, người dùng có thể giảm thiểu những tác hại tiềm ẩn trong khi vẫn giữ được lợi ích.
Đối với một số người, mạng xã hội có thể chỉ là những nền tảng gây khó chịu. Nếu bạn thực sự không thích xu hướng quá tập trung vào đời sống riêng tư của mọi người trên Instagram thì bạn có thể ngừng sử dụng ứng dụng này.
Một lưu ý khác là quản lý nguồn cung cấp dữ liệu truyền thông xã hội của bạn bằng cách chỉ tương tác với nội dung bản thân thấy hữu ích và tích cực.
Nếu bạn vẫn đang băn khoăn liệu việc từ bỏ có tốt cho mình hay không thì cách đơn giản nhất là tự trải nghiệm. Hãy thử ngừng sử dụng một hoặc một vài ứng dụng. Sau một thời gian, hãy tự hỏi liệu những lợi ích đó có xứng đáng với bạn hay không. Nếu câu trả lời là "có", hãy rời bỏ vĩnh viễn!
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cau-hoi-lon-sau-su-co-facebook-sap-toan-cau-a80353.html