Ngày 2/3, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đã gửi mẫu xét nghiệm của con chó thả rông cắn người ở huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, tới Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương. Kết quả, mẫu xét nghiệm dương tính với virus bệnh dại.
Trước đó, vào ngày 28/2, con chó thả rông này đã cắn liên tiếp 14 người. Cơ quan chức năng địa phương đã bắt và tiêu hủy con chó này theo quy định. Đồng thời, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.
Trước đó, từ ngày 11/1 đến ngày 5/02/2024, cũng trên địa bàn huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, khi phát hiện 2 ổ dịch bệnh dại ở 2 hộ gia đình, cơ quan chức năng địa phương đã bắt và tiêu hủy 6 con chó theo quy định.
Để phòng chống dịch bệnh dại phát sinh và lây lan, chính quyền huyện Đầm Hà yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh dại, khuyến cáo người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng dại trên đàn vật nuôi và tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cách phòng bệnh dại tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% đàn chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Khi nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/quang-ninh-cho-mac-benh-dai-tha-rong-can-lien-tiep-14-nguoi-a79986.html