Những ngày cận Tết, Người Đưa Tin đã lắng nghe những chia sẻ, trải lòng từ bệnh nhân có vết chàm bớt trên gương mặt và đã may mắn được chữa vết chàm miễn phí.
Đó là câu chuyện của Hồ Thị Xuân (24 tuổi, ở Thừa Thiên Huế), cô bắt chuyến xe sớm ra Hà Nội để mong muốn vết chàm đen sẽ không còn “bám theo” mình nữa.
Theo lời của Xuân, ngày nhỏ cô được mọi người nhận xét có khuôn mặt xinh xắn, trắng trẻo đáng yêu. Càng lớn trên mặt cô xuất hiện những vết chàm đen và phát triển dần theo tuổi.
Thế nhưng, vết chàm này khiến Xuân không có bạn chơi cùng, Xuân cũng từng hỏi bố mẹ tại sao sinh ra lại có vết chàm này.
Càng lớn vết chàm càng lan rộng, đen gần nửa khuôn mặt khiến cô luôn tự ti khi ra đường. Từ thời đi học, Xuân làm đủ các công việc để có tiền đi xoá vết đen trên mặt mình.
Tìm đến vài spa, thẩm mỹ viện, họ đưa ra giá cả trăm triệu và cũng không cam kết chắc chắn sẽ hết 100%, nên cô bỏ cuộc, chấp nhận sống chung với vết chàm.
Sau tốt nghiệp đại học cô lập gia đình sinh được 2 người con. Tìm được người thương yêu, chấp nhận khuyết điểm của mình, Xuân không nhắc đến việc điều trị chàm đen nữa.
Tuy nhiên, từ khi con lớn đi học, trong một lần đi họp phụ huynh, Xuâncởi khẩu trang và bạn bè của con nhìn thấy. Đám trẻ chạy lại hỏi: “Cô bôi nhọ nồi trên mặt à, tại sao mặt cô lại bị vết đen như vậy?”
Những câu hỏi vô tư của trẻ nhỏ khiến Xuân ái ngại, vội đeo lại khẩu trang. Sau hôm đó, con cô thường xuyên bị các bạn trêu đùa. Nghe con kể lại, người mẹ 24 tuổi đau lòng bật khóc. Cô không ngờ vết chàm trên mặt này từ làm cho tuổi thơ của chính cô không có bạn bè, giờ đến con mình cũng bị trêu chọc.
Tưởng rằng Xuân sẽ chấp nhận sống chung với vết chàm đen ấy đến suốt cuộc đời nhưng “chất xúc tác” kể trên đã khiến Xuân khát khao muốn xóa vết đen trên mặt, để được sống như một người bình thường.
Về trường hợp của Xuân, BSCK II Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, bệnh nhân Xuân có vết bớt Ota (chàm) khá lớn trên mặt.
Bớt Ota (Nevus Ota) là rối loạn sắc tố bẩm sinh với các mảng tăng sắc tố màu nâu tím, xám nhẹ hay xanh đen và tía (đỏ và lam trộn lẫn). Thường thì bớt ota hình oval, hình tròn với kích thước có thể vài milimet cho đến vài centimet, các dát liên kết với nhau tạo thành các mảng lớn chiếm gần toàn bộ nửa bên của vùng mặt.
Bớt ota thường xuất hiện tại vùng thái dương, trán, quanh mắt, gò má, dái tai, sau tai, mũi. Nếu nhìn tổng thể tổn thương là dát màu sắc lốm đốm, trộn lẫn với màu da xung quanh.
Những trường hợp có tổn thương tại mắt cần được theo dõi cần thận, nếu nghi ngờ những tổn thương như xuất hiện các nốt dưới da cần được sinh thiết, khám mắt để phát hiện ung thư hắc tố tại mắt.
Vị chuyên gia da liễu cho biết, bớt sắc tố ota lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người khi khiến làn da thâm sạm, gương mặt mất thẩm mỹ, già nua kém sắc.
"Người bị bớt ota thường tự ti, mặc cảm và ngại giao tiếp, cuộc sống và công việc của nhiều người bị ảnh hưởng", bác sĩ Thành nói.
Vị bác sĩ cho biết thêm, trung bình chi phí sử dụng công nghệ Laser cho một lần điều trị bớt khoảng 2 - 5 triệu đồng/lần, một bệnh nhân phải điều trị từ 10 - 20 lần tuỳ từng loại bớt.
Như vậy, tùy từng trường hợp, từng diện tích tổn thương mà mỗi bệnh nhân cần chi trả trung bình 20 - 50 triệu/liệu trình. Mức chi phí này không phải ai cũng có khả năng chi trả, rất nhiều bệnh nhân không có cơ hội được tiếp cận với việc điều trị vì kinh phí quá cao, ngay cả khi có bảo hiểm y tế.
BS. Thành chia sẻ, với việc điều trị bớt sắc tố bằng những công nghệ laser hiện đại, hy vọng sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng cuộc sống cho những gia đình có người thân bị bớt sắc tố.
Chuyên gia da liễu cũng mong muốn đây sẽ là một chiến dịch có mở đầu nhưng không bao giờ có hồi kết, bệnh nhân sẽ có những nụ cười của sự hạnh phúc, sự mãn nguyện từ tận trái tim khi trao mọi giá trị từ tâm.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/noi-kho-tam-cua-nguoi-me-tre-nhieu-nam-khong-dam-bo-khau-trang-a79800.html