Nguy cơ tử vong trong bụng mẹ cao
Theo đó, sản phụ Lê Th L., SN 1996, ngụ Tp.Đà Nẵng lần đầu mang thai và được theo dõi thai kỳ tại Tp.Đà Nẵng.
Chị L. sau đó được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ (Tp.HCM) vì phát hiện thai có bất thường nặng về tim, một dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải.
Trong quá trình theo dõi tại Bệnh viện Từ Dũ, bất thường tim thai bắt đầu có dấu hiệu trở nặng, nguy cơ tử vong trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi được sinh ra.
Bệnh viện Từ Dũ đã hội chẩn liên viện khẩn cấp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào lúc 9h30 ngày 03/01/2024 (thai được 32 tuần 5 ngày).
Các chuyên gia về Sơ sinh và Tim mạch của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cùng các chuyên gia về Sản của Bệnh viện Từ Dũ, thông nhất kết luận nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi ngay thì khả năng cao thai sẽ mất trong bụng mẹ.
Nếu giải quyết cho sinh ngay thì khả năng rất cao thai nhi sẽ mất ngay sau khi được sinh ra do non tháng kèm bệnh tim nặng. Các chuyên gia Sản và Nhi của 2 bệnh viện thống nhất can thiệp trong bào thai bán khẩn, trong trường hợp này là giải pháp phù hợp nhất và cấp bách nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.
Lúc 8h sáng 4/1/2024, ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng ê-kíp thông tim can thiệp của Bệnh viện Nhi đồng 1 rà soát lại một lần nữa các phương án thực hiện kỹ thuật này trước khi triển khai.
Đến 9h5 ngày 4/1/2024, ê-kíp can thiệp của 2 bệnh viện bắt đầu tiến hành can thiệp tim thai trong bào thai: Sau khi xuyên thành tử cung, kim 18G được đưa vào buồng thất phải của thai nhi, luồn Guidewire 0.014” vào thất phải, qua van động mạch phổi lên thân động mạch phổi của thai nhi; các bác sĩ tiếp tục đưa Balloon Saphire 2.5 x 15 mm vào vị trí van động mạch phổi; bơm bóng với áp lực 14 bar x 2 lần.
Sau can thiệp thông van tim cho bào thai, siêu âm kiểm tra thấy dòng chảy qua van động mạch phổi của thai nhi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim.
Kỹ thuật mới kỳ vọng giảm tỉ lệ thai lưu
Hai kíp phẫu thuật của cả 2 bệnh viện đã cân não đảm bảo độ chính xác ở mức tuyệt đối, không một sự cố nào xảy ra trong suốt quá trình can thiệp. Kết quả cuối cùng đã thành công như mong đợi.
Quá trình theo dõi thai kỳ sắp tới sẽ là sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng tiếp tục của 2 bệnh viện, nhằm mục tiêu đem đến niềm hạnh phúc cho cả gia đình, khi mẹ con chị L. có một thai kỳ khỏe mạnh, "mẹ tròn con vuông".
Sáng 5/1, lãnh đạo Thành ủy, UBND Tp.HCM đã gặp gỡ, chúc mừng và khen thưởng đột xuất cho ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1, thực hiện ca phẫu thuật thông van tim thành công cho một bào thai có bất thường tim mạch bẩm sinh nặng, ngay trong bụng mẹ.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Anh Đức đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn của ê-kíp 2 bệnh viện đã thực hiện ca thông tim xuyên tử cung, cứu sống bào thai dị tật tim bẩm sinh nặng. Ông Đức đánh giá, đây là một bước tiến mới về kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước phát triển trong khu vực.
Nói về khó khăn ca mổ, TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ rằng, việc can thiệp tim mạch cho bào thai trong bụng mẹ là một thách thức lớn đối với các bác sĩ.
Để làm được điều này, các bác sĩ phải luồn kim qua thành bụng và tử cung của người mẹ rồi xuyên qua thành ngực bào thai mới có thể tìm đường đi đến tim thai nhi. Do bào thai khi ở trong bụng mẹ không cố định khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong thao tác mổ.
Cũng theo BS Tín, trước đây, những ca mắc tim bẩm sinh tương tự đều phải chờ đến khi em bé ra đời mới can thiệp được. Một số trường hợp nặng, em bé tử vong trong bụng mẹ. Trường hợp nhẹ, em bé vẫn sinh ra được, nhưng khi ra đời tim đã bị hư, dù có can thiệp cũng không thể trở lại bình thường…
Việc can thiệp tim mạch sớm trong bào thai là bước tiến lớn, kỳ vọng trong tương lai nhiều trường hợp tương tự sẽ được cứu ngay từ sớm, giảm tỷ lệ thai chết lưu trong bụng mẹ.
Nguyễn Lành
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tphcm-can-thiep-tim-cuu-song-thai-nhi-con-trong-bung-me-a77577.html