Theo viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù mũi cho trẻ em nhập học hay còn gọi là tiêm chủng trường học là hoạt động mà Tổ chức Y tế Thế giới và CDC Hoa Kỳ đã khuyến nghị rộng rãi. Cho đến nay, đã có nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đã triển khai tiêm chủng trường học thành công.
Mặc dù tỉ lệ tiêm chủng hàng năm có thể đạt từ 90% đến 95% trở lên với từng loại vắc-xin. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa cứ mỗi 100 trẻ sẽ có từ 5 đến 10 trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi các vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Con số trẻ thiếu hụt miễn dịch này sẽ tích lũy qua các năm thành một nhóm đủ lớn dẫn đến nguy cơ lan truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà có thể phòng ngừa được bằng tiêm chủng vắc-xin.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Nhóm trẻ từ 1-4 tuổi và nhóm 5-9 tuổi (độ tuổi đi học mầm non, tiểu học) là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi dịch bệnh xảy ra bên cạnh việc gián đoạn các hoạt động học tập của trẻ.
Vì vậy, công tác kiểm tra tiền sử tiêm chủng cho trẻ 3-7 tuổi khi trẻ nhập trường và triển khai tiêm chủng bù mũi cho các trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin là cần thiết và hiệu quả giúp giảm số lượng trẻ bị bỏ sót không tiêm chủng, ngăn chặn dịch bùng phát trong trường học và đảm bảo sức khỏe cho các trẻ.
Trong năm 2023, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) đã ghi nhận các ca bệnh bạch hầu tại Điện Biên, Hà Giang, trong đó có các trẻ 3 - 5 tuổi.
Hầu hết các ca bệnh bạch hầu đều không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc không có bằng chứng đã được tiêm chủng đầy đủ.
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, môi trường đông người, tiếp xúc gần, như trong các lớp học, rất dễ lây nhiễm các vi khuẩn, virus như bạch hầu, ho gà, sởi, cúm, nếu có ca bệnh. Do đó, các gia đình cho trẻ tiêm chủng đầy đủ là bảo vệ các con và bảo vệ cộng đồng.
Bà Hồng thông tin thêm, để bảo vệ trẻ nhỏ, kiểm soát nguy cơ dịch bệnh trong trường học, 2023 là năm đầu tiên Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng và tiêm bù liều cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học, Qua đó, tăng tỉ lệ bao phủ các vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng ở nhóm trẻ này, chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cơ quan chuyên môn đã yêu cầu các điểm tiêm chủng trong trường hợp cần thiết có thể tăng số buổi tiêm chủng nhưng không tăng số trẻ trong 1 buổi tiêm chủng, cán bộ y tế phải nắm chắc những thông tin về an toàn tiêm chủng để truyền thông đến các bà mẹ, nhằm giúp cho bà mẹ theo dõi sát trẻ sau tiêm để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh không mong muốn...
Đồng thời, tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng: Giám sát bệnh sởi, rubella, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do virus rota; chuẩn bị triển khai uống vắc-xin rota là một vắc mới trong tiêm chủng mở rộng tại 33 tỉnh, thành phố từ quý II/2024.
Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng tiếp tục tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học tại trường học cho những trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi. Qua đó, giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch tại cộng đồng.
Trong năm 2023, hoạt động này được triển khai trên quy mô nhỏ tại 12 tỉnh, thành của 4 khu vực gồm Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng.
Dự kiến đến năm 2024, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ mở rộng phạm vi triển khai thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học tại trường học sang 30% số tỉnh thành, từ năm 2025 sẽ triển khai trên toàn quốc.
Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược tiêm chủng trọn đời, để đạt các mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella, viêm gan B và nhiều bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng.
Đến nay, việc kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ khi nhập học đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…Với cách tiếp cận này nhiều quốc gia đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh cũng như tiết kiệm nguồn lực so với việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt cho tất cả trẻ em trong cộng đồng.
Tại Việt Nam, công tác kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc-xin khi nhập học cho các trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin là một hướng tiếp cận mới, phù hợp với khuyến cáo của WHO và phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Những lợi ích khi tiêm chủng trường học
Tiếp cận trẻ chưa hoàn thành các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (bao gồm các nhóm khó tiếp cận, trẻ em di biến động...)
Tăng tỉ lệ bao phủ miễn dịch đối với các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin
Rà soát và cải thiện chất lượng số liệu tiêm chủng
Tăng cường việc lưu giữ hồ sơ tại gia đình
Đảm bảo sức khỏe học đường để tối ưu hóa việc học
Ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh trong trường học.
Cải thiện kiến thức về sức khỏe và tiêm chủng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ly-do-can-tiem-chung-bu-mui-cho-tre-mam-non-tieu-hoc-a77067.html