Nữ huấn luyện viên hồi phục sau đột quỵ nhờ gym và yoga

Hà NộiTừng bị liệt nửa người, Xuân, 38 tuổi vực dậy nhờ vật lý trị liệu kết hợp tập luyện, trở thành huấn luyện viên thể hình với vóc dáng săn chắc.

12 năm trước, Vi Thị Thanh Xuân đột ngột liệt nửa mặt trái, nửa người bên trái yếu như liệt, tay trái mất cảm giác sau một đêm ngủ dậy. Tại bệnh viện, cô được bác sĩ chẩn đoán đột quỵ nhẹ, phải tập vật lý trị liệu lâu dài. Thời điểm này, bố cô bị bệnh hiểm nghèo, mẹ làm phụ hồ, gia đình khó khăn. Người phụ nữ vay tiền bạn bè để đi châm cứu, bấm huyệt.

Ban đầu, Xuân tập cầm, nắm đồ vật nhẹ kèm tập nhai để lấy lại cảm giác. Do uống nhiều thuốc, cơ địa cô yếu hơn, hay bị đau nhức, nhất là khi bấm huyệt khiến "đau buốt xương tủy". Cô hạn chế ra ngoài, ngại gặp gỡ bạn bè, chỉ chuyên tâm đi điều trị mong cải thiện tình trạng.

Sau đó, Xuân được một người bạn rủ đi tập yoga. Do cơ thể còn yếu, từng bị tai biến, hơi thở không đều, người phụ nữ từ chối.

Về nhà, cô chủ động lên mạng tìm hiểu. "Càng xem càng hứng thú", Xuân kể và thử tập theo một số bài tập đơn giản như hít thở, đứng lên ngồi xuống. Do cơ địa không cân đối hai bên, đặc biệt là nửa người trái rất cứng, Xuân không thể gập mình, uốn dẻo như người khác.

Sau vài tuần tập, người phụ nữ ăn ngon, ngủ sâu giấc, nửa người trái không còn đau nhức nhiều, cầm nắm dễ dàng nên cô quyết định duy trì tập luyện mỗi ngày. Cô chia nhỏ thời gian tập để không bị quá sức, ưu tiên phần khởi động và hít thở.

"Tập yoga trị liệu không khó nhưng cần kiên trì, thay vì chạy theo động tác khó, dễ chấn thương", Xuân nói.

Yoga trị liệu (Yoga therapy) là một phương pháp xưa đem lại sự cân bằng cho cơ thể và tâm trí. Theo cuốn sách The Best Alternative Medicine của bác sĩ Kenneth R. Pelletier, yoga trị liệu giúp ổn định hệ cơ xương, làm cho nhịp hô hấp êm và sâu, cải thiện hệ tuần hoàn, sức mạnh cơ bắp và kiểm soát vận động. Yoga trị liệu phù hợp với cả những người gặp vấn đề về sức khỏe như đau xương khớp, cột sống, huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiền đình. Ngoài ra, bộ môn này có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng cảm giác thư giãn, cải thiện tâm trạng ở người tập.

Nhờ yoga, Xuân dần lấy lại được cảm giác các cơ. Cô có thể tập luyện các động tác khó như giữ thăng bằng tay chuyên nghiệp hơn. Xuân thường xuyên chia sẻ hình ảnh và video tập luyện của mình trên mạng xã hội, nhận được nhiều lời khen.

"Sự động viên của mọi người giúp mong ước trở thành huấn luyện viên của tôi ngày càng mãnh liệt", cô nói.

Năm 2018, Xuân trở thành huấn luyện viên yoga chuyên nghiệp. Từ thân hình gầy gò, kém hấp dẫn, cô "lột xác" với vòng ba đầy đặn, vòng hai săn chắc. Xuân tự tin đứng lớp dạy yoga, hướng dẫn cho nhiều học viên thay đổi và sống khỏe mạnh hơn. Cô nhận hướng dẫn online cho học viên ở xa, không tham gia trực tiếp lớp học.

Với Xuân, yoga giúp cô ăn ngon, ngủ sâu giấc, cơ thể dẻo dai nhưng không mang lại hình thể đẹp. Cô tiếp tục tìm hiểu về gym để cải thiện ngoại hình "mông lép, bụng mỡ".

[Caption]ffffff

Sau 12 năm tập luyện, Xuân trở thành huấn luyện viên yoga và có thể tập động tác uốn dẻo khó. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng như yoga, Xuân tự tìm hiểu về gym qua mạng trước. Thời gian đầu, cô ưu tiên vận động để tăng cơ, chú ý tập đúng kỹ thuật thay vì tập nặng. Mục tiêu của Xuân là tăng vòng ba nên ưu tiên bài tập mông, từ ba đến 4 buổi một tuần.

"Ban đầu gia đình cũng ngăn cản vì gym thiên về sức mạnh, vận động sợ tôi bị chấn thương", Xuân nói nhưng không cưỡng lại đam mê thể hình nên vẫn quyết theo đổi.

Thông thường để nâng cơ, người tập sẽ tích cực tập tạ. Riêng Xuân dành ba năm để tập với dây kháng lực trước để cơ thể làm quen. Chỉ bằng các sợi dây thun với khả năng đàn hồi và lực co giãn giúp nữ huấn luyện viên tăng sức bền cho cơ. Cô kết hợp ba buổi gym, ba buổi yoga để không nhàm chán.

Theo các chuyên gia, vận động thường xuyên mang lại nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe tim mạch, phát triển xương, giảm đau lưng dưới do viêm khớp, đau cơ xơ hóa, phòng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, hạ huyết áp, giảm cholesterol có hại, chất béo.

Cô kết hợp dinh dưỡng để có đủ năng lượng tập luyện. Xuân ưu tiên món ăn từ gạo lứt, bún phở lứt, tiêu thụ nhiều trái cây và hạn chế đồ dầu mỡ, kiêng đồ ngọt. Hiện, cô cao 1,62 m nặng 57 kg, vòng ba là 98 cm, tăng 10 cm so với trước đây. Dù vậy, khuôn mặt của Xuân vẫn chưa cân đối, cơ mặt trái bị giảm cảm giác, không còn phản xạ như người bình thường.

Vóc dáng hiện tại của Xuân sau hơn 10 năm tập luyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vóc dáng hiện tại của Xuân sau hơn 10 năm tập luyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

12 năm theo đuổi yoga và 4 năm tập gym, Xuân nói mình như được "hồi sinh" dù cơ thể vẫn còn nhiều khiếm khuyết sau tai biến. Cô nói đây là món ăn tinh thần, giúp bản thân ngày càng khỏe mạnh, sống vui và có ích.

"Người thông minh là dùng tiền đầu tư cho sức khỏe, thay vì để sức khỏe hao mòn chỉ vì kiếm tiền. Chỉ khi khỏe mạnh, bạn mới có thể thực hiện những điều mình muốn", cô nói.

Thùy An

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nu-huan-luyen-vien-hoi-phuc-sau-dot-quy-nho-gym-va-yoga-a75854.html