Thông tin này gây xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội bởi đây là thói quen ăn uống của không ít người tiêu dùng Việt.
Thông tin này được chia sẻ bởi một người tự xưng là "bác sĩ". Cụ thể, trong video, vị bác sĩ này chia sẻ: "Cơ thể con người thường bị bệnh là do thói quen ăn uống sai lầm".
Người này nói "phở là món ăn quen thuộc và chứa nhiều chất béo, trong khi trà đá thường khá lạnh và khi kết hợp sẽ làm mỡ vón cục lại, khiến cho dạ dày làm việc ì ạch hơn".
Đoạn video gây chú ý trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình).
"Khi 2 thực phẩm này vào cơ thể, chúng sẽ được phân hóa thành các vi hạt mỡ và khi tới ruột non, tá tràng đều không hấp thu được các vi hạt mỡ này", người này nói. "Các thực phẩm này tiếp tục đi xuống ruột già, tại đây chúng sẽ gặp các vi khuẩn có hại, gây ra tình trạng viêm đại tràng. Khi tình trạng viêm này lặp đi lặp lại sẽ sinh ra polyp, lâu dần sẽ tạo ra khối u và khối u khi bị nhiễm trùng sẽ gây ra ung thư".
Người này chia sẻ một thí nghiệm như sau: "Thả cục đá vào tô phở sẽ thấy mỡ bị vón cục lại, để mỡ tan ra thì cần nhiệt độ 48 độ. Trong khi đó cơ thể chúng ta chỉ 37 độ thì khó có thể khiến mỡ tan ra".
Thông tin trên khiến cho mọi người rất hoang mang vì chưa rõ thực hư. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thông tin vừa ăn phở, vừa uống trà đá gây viêm đại tràng, gây polyp, thâm chí ung thư là không có cơ sở khoa học. Thông tin trên là chưa chính xác, gây hoang mang cho mọi người.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng không khuyến khích việc uống trà đá khi ăn phở bò hoặc uống quá nhiều trà đá. Trà đá không phải thực phẩm có hại cho sức khoẻ nhưng uống trà đá ngoài quán có nguy cơ gây hại về nguồn trà, nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, khi ăn phở bò, mọi người không nên uống trà quá đặc. Trà có chứa nhiều tanin, ức chế hấp thu sắt. Việc uống nước trà trong hoặc ngay sau khi ăn sẽ làm giảm sự hấp thụ chất sắt từ thức ăn, trong khi thịt bò chứa khá nhiều sắt, vì thế cần hạn chế hoặc lựa chọn loại nước khác phù hợp hơn.
Đồng quan điểm với PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ Thực phẩm, cũng cho rằng thông tin "uống trà đá cùng phở gây viêm đại tràng" là không có cơ sở. Với các loại mỡ động vật, khi gặp lạnh thường xảy ra tình trạng vón cục hoặc đông đặc lại, đây là phản ứng hết sức bình thường và thường thấy.
Tuy nhiên, việc ăn phở và uống trà đá lại là phạm trù khác, bởi nước phở khi ăn thường khá nóng, trà đá dù lạnh nhưng không tới mức khiến mỡ đông đặc hay vón cục lại. Chưa kể, khi cả hai loại thực phẩm này vào cơ thể thì nhiệt độ cơ thể sẽ khiến cho các cấu trúc phân tử mỡ bị vỡ ra và hóa lỏng, sau đó chúng tiếp tục trải qua quá trình tiêu hóa. Do vậy, tin đồn "mỡ vón cục, đông đặc gây viêm nhiễm, ung thư" là không chính xác.
Vị chuyên gia công nghệ thực phẩm cũng khuyên mọi người khi ăn bún hay phở nên chọn nước trong, không nên chọn nước béo. Ăn phở nước trong sẽ giảm được chất béo đưa vào cơ thể. Ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như mỡ máu, rối loạn lipid…
Theo các chuyên gia, để bảo vệ đường tiêu hóa, mọi người nên có một chế độ ăn cân đối 4 nhóm dưỡng chất: bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
https://soha.vn/thuc-hu-chuyen-an-pho-va-uong-tra-da-cung-luc-gay-viem-dai-trang-ung-thu-20231116172133335.htm
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/thuc-hu-chuyen-an-pho-va-uong-tra-da-cung-luc-gay-viem-dai-trang-ung-thu-a71000.html