Liên quan tới câu chuyện nâng cao tầm vóc người Việt, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký -Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nguyên là Thư ký chương trình mục tiêu quốc gia Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Nâng cao tầm vóc không thể làm theo kiểu "ăn xổi"
Ngọc Minh: Tôi nghe nói Tổng điều tra dinh dưỡng, trong đó có vấn đề tăng trưởng chiều cao được công bố vào ngày 15/4/2021, chưa nghiệm thu đề tài?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Trong một cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng có rất nhiều chỉ số được thu thập, trong đó có dinh dưỡng, khẩu phần ăn, chiều cao… và cần có thời gian để hoàn thành việc phân tích, bàn luận kết quả.
Một số trong các số liệu có thể được công bố trước tuỳ theo tiến độ được ưu tiên do tính cấp thiết và là cơ sở để xây dựng các kế hoạch can thiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Ngọc Minh: Chiều cao của người Việt đã tăng tới 3,7cm so với năm 2010, đây có phải kết quả 10 năm nâng cao tầm vóc?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Chiều cao của người Việt được đo lường ở người trưởng thành trên 20 tuổi, vì vậy chỉ số chiều cao phản ánh cả một quá trình can thiệp tối thiểu 20 năm.
Đặc biệt, giai đoạn mang thai và 2 năm đầu đời đã quyết định đến hơn 50% tầm vóc cơ thể. Vì vậy, thành quả của tăng tốc chiều cao là của một quá trình can thiệp sớm, lâu dài và bền vững.
Những thành tích về tăng trưởng chiều cao vừa qua của Việt Nam cũng chính là những thành tích của nhiều chương trình sức khoẻ của quốc gia, đặc biệt là: "Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em" được triển khai trên toàn quốc từ năm 1998 bởi toàn bộ hệ thống y tế cơ sở và sự nỗ lực của các Bộ, Ban, Ngành, chính quyền địa phương.
Sẽ không có một can thiệp "ăn xổi", ngắn hạn và hời hợt nào có thể đem lại các hiệu quả về chiều cao cho 1 dân tộc, quốc gia.
Thiết kế ảnh: Hà Linh.
Ngọc Minh: Vậy chúng ta cần phải hiểu đúng về con số 'năm 2020 người Việt cao thêm 3,7cm so với 2010' như thế nào?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Chiều cao trong tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 là của những người sinh trước năm 1990, giai đoạn này đất nước còn nhiều khó khăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở mức rất cao nên chiều cao khi trưởng thành cũng bị ảnh hưởng. Kết quả về tầm vóc được nêu trong Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 là chiều cao của những người trưởng thành trên 20 tuổi (sinh trước năm 2000) khi mà các chương trình mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng và chiến lược dinh dưỡng quốc gia đã được triển khai trên toàn quốc.
Như vậy, có thể thấy ở giai đoạn từ 1990 đến 2000, chúng ta đã có sự thay đổi về các điều kiện chăm sóc y tế, sức khoẻ và dinh dưỡng. Các giải pháp về cải thiện điều kiện kinh tế, nâng cao kiến thức chăm sóc dinh dưỡng và sức khoẻ từ giai đoạn 2000 thông qua các chương trình mục tiêu y tế quốc gia cũng đã cho thấy những hiệu quả quan trọng trong việc cải thiện tầm vóc của người Việt Nam.
Ngọc Minh: Chúng ta đã làm gì để có con số chiều cao tăng vượt bậc vào năm 2020?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Để có được con số tăng trưởng chiều cao trong 20 năm đó là sự lỗ lực rất lớn của chính phủ, bộ, ban ngành, địa phương và của toàn thể các gia đình Việt Nam trong chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho trẻ em.
Tại Việt Nam, từ những năm 1990, chính phủ đã quyết định theo xu hướng thế giới, đặt ra mục tiêu giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em. Thời điểm đó trẻ suy dinh dưỡng tại Việt Nam chiếm 56,5%. Các tổ chức thế giới như UNICEF, Liên hợp Quốc luôn quan tâm tới vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em và coi chỉ số suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là một trong những chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội quan trọng nhất của một quốc gia, mục tiêu thiên niên kỷ với các quốc gia nghèo trong đó có Việt Nam.
Năm 1998, Chính phủ đã quyết định đưa chương trình giảm suy dinh dưỡng trẻ em là một trong các chương trình trọng điểm mục tiêu y tế quốc gia.
Các mục tiêu giảm suy dinh dưỡng trẻ em được đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và được coi là 1 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Từ các mục tiêu đó, các giải pháp can thiệp đã được triển khai quyết liệt trên toàn quốc trong 15 năm như đánh giá tình trạng dinh dưỡng, truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc phụ nữ mang thai, hướng dẫn ăn bổ sung cho trẻ em, phục hồi cho trẻ suy dinh dưỡng, bổ sung vitamin A cho trẻ em, bổ sung sắt acid folic cho phụ nữ mang thai…
Với sự nỗ lực của hệ thống y tế của 63 tỉnh thành phố, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân của Việt Nam đã giảm nhanh, năm 2010 chỉ còn 29,3%, năm 2015 là 24,6% và năm 2020 là 19,6%. Với thành tích này Việt Nam được coi là điểm sáng của toàn cầu về giảm suy dinh dưỡng.
10-20 năm tới tốc độ tăng trưởng chiều cao của người Việt sẽ bị chững lại
Ngọc Minh: Chiều cao và tầm vóc của người Việt hiện nay ở đâu?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Theo số liệu tổng điều tra toàn quốc của Việt Nam năm 2020, nam giới nước ta trung bình cao 168,1cm, nữ giới cao 156,26cm.
Theo Bảng thống kê chiều cao trung bình của các quốc gia trên thế giới dựa trên nghiên cứu của NCD Risk Factor Collaboration, chiều cao của người Việt Nam đang đứng thứ 153 trên tổng số 201 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm qua, chiều cao của người Việt đã có sự vươn lên đáng kể, tuy nhiên chiều cao của người Việt Nam đến nay vẫn còn thua kém các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Trong giai đoạn tới chiều cao của người Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng lên do tình hình kinh tế xã hội được cải thiện, đặc biệt là ở các vùng miền núi, khó khăn và kiến thức, hành vi chăm sóc dinh dưỡng sức khoẻ được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chiều cao có thể sẽ chậm lại so với giai đoạn vừa qua. Do các can thiệp về dinh dưỡng và sức khoẻ trên thực tế đã không còn là ưu tiên chính trong triển khai ở các địa phương. Cùng với đó là tư tưởng thoả mãn với thành công và không còn giành những ưu tiên về ngân sách, nguồn lực cho hoạt động này.
Thiết kế ảnh: Hà Linh
Ngọc Minh: Tôi được biết từ năm 2015 giảm suy dinh dưỡng không còn là chương trình mục tiêu Y tế quốc gia, điều này có ảnh hưởng tới việc nâng cao tầm vóc Việt về sau không?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Chắc chắn là có ảnh hưởng. Chúng ta coi sức khoẻ và tầm vóc người Việt Nam là quan trọng, nhưng các hoạt động can thiệp bị chia nhỏ trong các chương trình nâng cao chất lượng dân số, chương trình giảm nghèo, chương trình nông thôn mới. Các chính sách chưa rõ ràng, không nhấn mạnh ở các tỉnh miền núi khó khăn nơi mà tỷ lệ suy dinh dưỡng còn rất cao và cần tiếp tục triển khai các hoạt động. Các giải pháp không toàn diện, không phù hợp với tình hình mới khi ngân sách triển khai hầu như không còn. Ngân sách các địa phương không hỗ trợ, hơn ½ số tỉnh thành phố trong cả nước (đặc biệt là các tỉnh nghèo) không chi ngân sách cho chăm sóc dinh dưỡng ở trẻ em.
Một sự thật đáng buồn được đánh giá trong nghiên cứu về suy dinh dưỡng trẻ em tại vùng khó khăn do Tổng hội Y học Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam triển khai năm 2023 đã cho thấy một số dấu hiệu về việc suy dinh dưỡng đang tăng trở lại, đặc biệt là vùng miền núi phía Bắc.
Khi không có một chiến lược đúng đắn, tập trung nguồn lực và ngân sách thì tới năm 2040 chúng ta sẽ thấy chiều cao của người Việt Nam (bản chất là những trẻ sinh ở thời điểm 2020) sẽ bị chững lại, ảnh hưởng đến tiến trình nâng cao tầm vóc của người Việt Nam.
Ngọc Minh: Ông có nhắc tới vấn đề thừa cân, béo phì đang gia tăng ở những vùng kinh tế khá giả, điều này ảnh hưởng như tế nào tới tầm vóc của trẻ sau này?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Thừa cân, béo phì ảnh hưởng tới nhiều yếu tố như: mặc cảm tâm lý của trẻ và tăng các nguy cơ bệnh lý (đái tháo đường, tim mạch, khó thở khi ngủ….)
Trẻ thừa cân, béo phì ăn thịt nhiều khi cơ thể đào thải protein ra bên ngoài sẽ kéo theo vấn đề giảm canxi dễ bị còi xương thể bụ bẫm, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Trẻ thừa cân, béo phì, đặc biệt ở bé gái sẽ gây dậy thì sớm và ảnh hưởng đến phát triển chiều cao. Vì vậy, thừa hay thiếu dinh dưỡng ở trẻ em đều ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ. Trẻ thừa cân, béo phì cũng hình thành thói quen dinh dưỡng không lành mạnh và rất dễ trở thành người thừa cân béo phì khi trưởng thành, sẽ tăng thêm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây.
Dinh dưỡng tác động để đạt được chiều cao tối đa
Ngọc Minh: Dinh dưỡng tác động ra sao tới việc nâng cao tầm vóc cho người Việt. Liệu có phải gen mới là chìa khóa quyết định chiều cao?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Gen là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định chiều cao. Tăng tốc về chiều cao ở Nhật Bản chính là một minh chứng rõ nhất. Trước năm 1945, Nhật vẫn là một nước có chiều cao khiêm tốn, nhưng hiện nay chiều cao của họ đã cải thiện rất nhiều và thuộc top cao ở Châu Á.
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề dinh dưỡng tác động tới chiều cao ra sao, tôi xin lấy ví dụ: Nếu bố cao 168cm, mẹ 156cm con trai có thể cao từ 168,5 - 175cm; con gái 155,5 - 161,2cm. Tức là gen sẽ quy định về một khoảng chiều cao và ở đó chỉ số tối thiểu và tối đa có thể cách nhau tới 6cm. Dinh dưỡng sẽ là một trong các yếu tố quan trọng quyết định chiều cao của đứa trẻ ở đâu trên quãng gen đó. Ví dụ khoảng chiều cao về gen của con trai 168,5 -175cm, nếu trẻ được chăm sóc về dinh dưỡng và các yếu tố liên quan tốt, trẻ sẽ đạt được chiều cao tối đa 175cm, nhưng nếu chăm sóc không tốt, trẻ có thể chỉ cao 168cm. Như vậy, dinh dưỡng có thể giúp trẻ có được chiều cao tối đa trong khoảng quy định của gen.
Thiết kế ảnh: Hà Linh
Chúng ta cũng lưu ý thêm là với đứa trẻ dưới 5 tuổi thì tình trạng dinh dưỡng (cân nặng, chiều cao) sẽ ít chịu tác động bởi yếu tố gen mà chủ yếu đến từ vấn đề nuôi dưỡng. Và dinh dưỡng trong những năm đầu đời có vai trò rất quan trọng đến vấn đề tầm vóc của đứa trẻ sau này.
Bên cạnh dinh dưỡng thì thể lực cũng cần ưu tiên các môn ngoài trời, các môn kéo giãn (bơi, bóng rổ, cầu lông), những môn thể thao đồng đội. Khi tập luyện, không phải tập càng nhiều càng tốt mà là tập phù hợp với sự phát triển của trẻ. Đối với yếu tố môi trường, trẻ sống trong môi trường sạch sẽ ít nhiễm trùng, trẻ ít sử dụng kháng sinh cũng giúp chiều cao của trẻ không bị ảnh hưởng.
Giấc ngủ cũng đóng vai trò rất quan trọng cho phát triển chiều cao. Giấc ngủ chỉ thực sự có ý nghĩa khi bạn phải bảo đảm rằng trẻ ngủ đủ thời gian theo độ tuổi và nên ngủ sớm để đảm bảo lượng hormone tăng trưởng. Những thời điểm thuận lợi cho tiết hormone của trẻ khi trẻ ngủ say là 22 giờ - 1 giờ và từ 4 - 5 giờ sáng. Hiện tại, trong nhiều gia đình, việc trẻ em đang ngủ quá muộn do bài vở học tập và do thói quen ngủ muộn của nhiều gia đình cũng ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển thể chất của trẻ.
Phát triển chiều cao là tổng hợp của nhiều yếu tố, chúng ta không coi nặng yếu tố nào mà phải phát triển tổng thể.
TS.BS Trương Hồng Sơn: Nâng cao tầm vóc cho người Việt là một quá trình lâu dài và là một mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể đạt được mục tiêu đó khi có các giải pháp hiệu quả và triển khai đủ lâu dài và bền vững.
Cần thiết phải có các giải pháp đầy đủ về chăm sóc dinh dưỡng cho 1000 ngày đầu đời bao gồm chăm sóc phụ nữ mang thai (hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, bổ sung viên sắt- acid folic, viên đa vi chất), các giải pháp về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dưới 2 tuổi và giai đoạn học đường. Các giải pháp cần được điều chỉnh để mang tính hiệu quả và khả thi, có nguồn lực cụ thể (nhân lực, ngân sách).
Nâng cao tầm vóc không phải câu chuyện ngắn hạn. Chỉ khi thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ ở các cấp từ trung ương đến thôn bản thì 10 năm - 20 năm nữa chúng ta mới tránh được việc lại đặt câu hỏi 'Vì sao tăng chiều cao của người Việt Nam lại chậm lại?'.
Cảm ơn ông vì những chia sẻ thẳng thắn của mình, chúc ông sức khỏe và thành công!
https://soha.vn/tsbs-truong-hong-son-gen-khong-phai-la-yeu-to-duy-nhat-quyet-dinh-chieu-cao-2023111509302994.htm
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tsbs-truong-hong-son-gen-khong-phai-la-yeu-to-duy-nhat-quyet-dinh-chieu-cao-a70886.html