Phương án thi tốt nghiệp 2+2 nhận được nhiều ý kiến ủng hộ

Theo đó, các đại diện Sở GD&ĐT cho rằng có nhiều phương pháp để tăng trình độ ngoại ngữ của học sinh, không nên chỉ phụ thuộc vào một kỳ thi tốt nghiệp.

Hôm nay (14/11), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực thảo luận về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Tại cuộc họp, sau khi đại diện Bộ GD&ĐT trình bày dự thảo phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, với các nội dung: Cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; nguyên tắc cốt lõi xây dựng phương án thi; quá trình xây dựng phương án thi; những điểm mới của dự thảo phương án thi; nội dung cơ bản của dự thảo phương án thi…, các thành viên Hội đồng đã trao đổi, cho ý kiến về các phương án được đề xuất.

Về phương án thi, đa số ý kiến thành viên Hội đồng ủng hộ phương án 2+2 (phương án thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và 2 môn thi tự chọn trong các môn thi còn lại được học ở lớp 12 gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học. Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Về lựa chọn trên, các thành viên Hội đồng đã phân tích, làm rõ những ưu việt của phương án 2+2 như: đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội và khối khoa học tự nhiên; tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Giáo dục - Phương án thi tốt nghiệp 2+2 nhận được nhiều ý kiến ủng hộ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi họp.

Góp ý tại cuộc họp PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Tp.HCM cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT có tác động xã hội rất lớn, nếu chậm trễ sẽ tạo tâm lý bất an cho phụ huynh, học sinh.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan bày tỏ: “Tôi chọn phương án 2+2 mà Bộ GD&ĐT đề xuất. Về lý luận, bản chất của giáo dục phổ thông là trang bị kiến thức kỹ năng nền tảng. Kỳ thi một mặt xét tốt nghiệp THPT, mặt khác đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu cho giáo dục đại học, nghề nghiệp.

Về pháp lý, phương án 2+2 thực hiện đúng chủ trương giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Đặc biệt sẽ không gò bó trong khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng trong tất cả các môn học”,

Đại diện các trường đại học, Sở GD&ĐT các địa phương cũng đặt ra những vấn đề như việc xây dựng, công bố dạng thức đề thi, tổ chức thi gắn với đào tạo nguồn nhân lực, ngoài kỳ thi tốt nghiệp cần quan tâm tới đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Giáo dục - Phương án thi tốt nghiệp 2+2 nhận được nhiều ý kiến ủng hộ (Hình 2).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.

Đối với những lo ngại “nếu môn Ngoại ngữ không thi bắt buộc sẽ dẫn tới học sinh không học, khó khăn trong hội nhập quốc tế”, GS.TS Thái Văn Thành- Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nêu ví dụ từ tỉnh Nghệ An khi cách đây khoảng 5 năm chất lượng dạy và học tiếng Anh ở mức thấp, sau khi tỉnh có những cơ chế tác động tới người dạy, người học, quan tâm tới môi trường học tập, chất lượng dạy và học tiếng Anh đã từng bước nâng lên.

“Muốn dạy học tiếng Anh tốt cần có cơ chế tác động tới giáo viên, học sinh và có môi trường học tập chứ không phải thi là kết quả ngoại ngữ sẽ tốt lên”, ông Thành đánh giá.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cáo sự chuẩn bị của Bộ GD&ĐT về dự thảo phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Hôm nay các thành viên Hội đồng đã chọn phương án 2+2. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT có đề án toàn diện, bài bản, trong đó có vấn đề rất cụ thể là chuẩn bị ngân hàng đề thi, chuẩn bị các phương án tổ chức thi…”.

Đồng thời cũng lưu ý tới việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục khi xây dựng đề án về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng phương án 2+2 thi tốt nghiệp THPT phù hợp theo bối cảnh hiện nay, đảm bảo các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GD&ĐT hướng đến cũng như đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29 và Nghị quyết số 88.

Trước băn khoăn các môn Ngoại ngữ và Lịch sử là môn tự chọn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: “Toán và Ngữ văn là 2 môn tiêu biểu cho 2 loại tư duy, 2 lĩnh vực cơ bản và cũng là 2 môn học được nhiều nước lựa chọn trong đánh giá năng lực, cũng như thi tốt nghiệp cấp THPT... Ngoài ra, các khối tổ hợp môn học chính ở THPT đều liên quan đến 2 môn học này”.

Trong mùa tuyển sinh vừa qua, trong số các trường đại học đào tạo ngành y ở Việt Nam, có nhiều trường dùng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển. Ngoài ra, phương án này phù hợp cho cả 2 đối tượng thí sinh hệ phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên,..”.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/phuong-an-thi-tot-nghiep-22-nhan-duoc-nhieu-y-kien-ung-ho-a70704.html