Ngược xuôi tìm mạnh thường quân hỗ trợ
Ngược về những năm tháng cũ, quang cảnh Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai khiến thầy trò không khỏi chạnh lòng.
Trường được xây dựng đã lâu, cơ sở vật chất xuống cấp theo năm tháng. Mùa mưa nước ngập lênh láng, mùa hè ngồi trong lớp học nóng như “chảo lửa”. Dù lưới điện chạy ngay bên cạnh nhưng vì nguồn kinh phí hạn hẹp, điện chưa vào được điểm trrường.
Thế nhưng, hôm nay Trường THCS Lê Quý Đôn đã khoác lên mình diện mạo mới. Trường nằm sát Quốc lộ 25, khuôn viên trường rộng chừng 1ha, 4 dãy phòng học, nhà hiệu bộ khang trang hệ thống cây xanh, ao cá, sân bóng đá mini. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của cả thầy và trò.
Để có được thành quả như ngày hôm nay tất cả nhờ vào sự nỗ lực, cống hiến thầm lặng của thầy Phan Công Đương, Hiệu trưởng nhà trường. Một mình thầy bôn ba, xuôi ngược khắp nơi, tìm gặp, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, để các em học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ FSB, Tp.Hồ Chí Minh kể, qua thầy Đương, ông được biết nhiều đơn vị trường học ở huyện Phú Thiện gặp khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Sau khi nhận được lời ngỏ từ thầy Đương, ông đã tiến hành về địa phương để khảo sát.
“Lần đầu đặt chân đến mảnh đất nắng gió của huyện Phú Thiện, thầy Đương dẫn tôi ghé thăm điểm trường Ia Pau của Trường Tiểu học Lê Lợi. Chứng kiến tận mắt điều kiện cơ sở vật chất, hoàn cảnh học tập của các em học sinh, tôi đã không cầm được nước mắt. Cảnh quan trường lớp xập xệ, bụi bặm, còn học sinh thì nhễ nhại mồ hôi ngồi học bài, áo quần xộc xệch, trong khi hệ thống điện lưới ngay cạnh bên nhưng chưa được kéo vào điểm trường”.
“Thế là tôi quyết định bỏ tiền túi 500 triệu đồng xây dựng thêm 2 phòng học, lát gạch sân trường, xây nhà vệ sinh, tường bao cho điểm trường Ia Pau. Tại lễ bàn giao công trình, tôi còn hỗ trợ thêm hàng trăm suất quà cho các em học sinh và người dân trong vùng. Ngoài ra, tôi cũng vận động được mấy chục bộ bàn ghế học sinh gửi ra tặng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để phân bổ cho các trường còn thiếu”.
Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục
Trò chuyện với chúng tôi, lòng đầy phấn khởi thầy Phan Công Đương tâm sự, thầy sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Tĩnh, đã từng nếm trải những tháng ngày gian khó với không ít bữa cơm chưa ấm bụng. Vì vậy, hơn ai hết, thầy thấu hiểu từng hoàn cảnh của học sinh vùng khó, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số.
Công tác trong ngành GD-ĐT huyện Phú Thiện từ năm 1999 đến nay, thầy Đương đã tìm nhiều cách để nâng bước học sinh đến trường. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, thầy đã kết nối, kêu gọi mạnh thường quân ở mọi miền trong cả nước quan tâm hỗ trợ các em học sinh tại địa phương.
Thầy Đương nhớ lại hành trình lần đầu kêu gọi các mạnh thường quân: “Tôi chạy xe máy xuyên đêm vào Tp.Hồ Chí Minh gặp sinh viên Trường Đại học Công nghệ Tp.Hồ Chí Minh (Hutech), người từng là tình nguyện viên ở Gia Lai nhờ kết nối gặp những người có tấm lòng thảo thơm. Nhưng hồi đó gặp ai họ cũng chối, đi xin tài trợ mãi không được, tôi đâm nản. Và rồi, may mắn đã đến khi tôi gặp anh Phạm Đình Quý (trú tại tỉnh Lâm Đồng) và được anh kết nối với nhiều mạnh thường quân khác”.
“Ngày trước, sân trường chưa mưa đã ngập nước. Từ nguồn kinh phí được tài trợ, giáo viên và phụ huynh cùng chung sức tôn tạo, đổ đất quanh sân trường cao lên chừng 1m. Hết cảnh ngập lại qua cảnh lầy lội. Tôi kêu gọi tài trợ kinh phí để tiến hành bê tông hóa sân trường và di dời cây cối cho hợp lý, khoa học.
Trong khi công việc đang tiến hành thì hết tiền, không đành lòng nhìn việc dở dang, vợ chồng tôi mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình thế chấp ngân hàng vay 60 triệu đồng để làm cho xong. Mừng là có mạnh thường quân tài trợ, chứ không thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn ở trong ngân hàng.
Tiếp đó, tôi kêu gọi ủng hộ kinh phí làm 2 nhà xe, sân bóng đá, mua máy lọc nước, máy vi tính, xe đạp, sách, vở và xây dựng thêm các phòng học. Tính riêng số tiền nhà hảo tâm tài trợ cho Trường THCS Lê Quý Đôn đến nay đã vào khoảng 2,3 tỷ đồng. Nhờ vậy, trường ngày càng đẹp hơn”, thầy chia sẻ.
Thầy Nguyễn Huy Hoàng, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn cho hay: “Cách đây chừng 10 năm, nhiều phòng học xuống cấp, mưa dột tứ phía. Nhiều hôm, giáo viên phải thay nhau dọn sách vở, đồ đạc trong các phòng học để tránh bị ướt. Cứ mưa là sân trường ngập nước. Chúng tôi thường xuyên dọn vệ sinh sau mỗi trận mưa. Bây giờ thì khác hoàn toàn.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục của trường cũng được nâng lên. Từ một trường xếp hạng thấp, nhà trường đã vươn lên top đầu của huyện với nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Có được kết quả này không thể không nhắc đến sự đóng góp của thầy Đương”.
Chia sẻ về dự định sắp tới, thầy Đương cho biết: “Tôi đang kêu gọi Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ FSB và Quỹ Những tấm lòng nhân ái của Công ty cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ (Hà Nội) xây dựng thêm 1 điểm trường, tài trợ 200 máy tính và 100 bộ bàn ghế. Nếu nhận được máy móc, thiết bị học tập nói trên, tôi sẽ chuyển về Phòng GD-ĐT để phân bổ cho các trường trong huyện”.
Thầy Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện cho biết, trong các năm qua, thầy Đương đã kêu gọi được mạnh thường quân trong cả nước số tiền lớn để xây dựng, sửa sang nhiều điểm trường trên địa bàn huyện. Nhờ vậy các em học sinh được đến trường học tập trong điều kiện tốt nhất, công tác chất lượng dạy và học được nâng lên đáng kể. Cá nhân thầy Đương được danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở của ngành giáo dục toàn huyện năm 2022.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nguoi-thay-co-tam-long-vang-het-long-vi-su-nghiep-giao-duc-a70502.html