Giải pháp nào kiểm soát trẻ em sử dụng internet an toàn, hiệu quả

Trong thời đại công nghệ số, tuổi thơ của trẻ em gắn liền với internet bởi đây là kênh cung cấp kiến thức và giải trí nhanh nhất. Theo khảo sát của Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có gần 90% trẻ em truy cập và sử dụng internet nhưng chỉ có 36% trẻ em được dạy về an toàn mạng.

Kiểm soát thế nào để trẻ không nhiễm độc internet

Vậy làm thế nào để kiểm soát thời gian sử dụng internet và bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Chị Nguyễn Thu Trang, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có 2 con nhỏ, một cháu 8 tuổi và một cháu 10 tuổi. Việc cho con sử dụng internet để học tập và giải trí đã trở thành thói quen trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, thời gian con vào internet, đặc biệt vào các mạng xã hội như youtube, tiktok với thời gian khá nhiều và chị chưa có giải pháp để kiểm soát các con.

Giải pháp nào kiểm soát trẻ em sử dụng internet an toàn, hiệu quả - Ảnh 1.

Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng (ảnh minh hoạ)

“Bạn nào cũng thích, không bạn nào từ chối cả vì nội dung khá hấp dẫn, màu sắc sinh động. Khi mình cấm thì con tỏ thái độ không thích”- chị Thu Trang nói.

Ai cũng nhận ra điều tích cực của internet trong đời sống đối với cả người lớn và trẻ em, đó là internet giúp tìm thông tin, học tập, trao đổi, vui chơi, giải trí… Mặc dù vậy,  internet vẫn tồn tại nhiều khía cạnh tiêu cực nếu như quá phụ thuộc và lạm dụng. Đó là khả năng gây nghiện từ các trò chơi trực tuyến gây mất thời gian, gián đoạn đến sự phát triển về tinh thần, thể chất của trẻ. Tiếp nhận thông tin sai dẫn đến hành động và nhận thức sai lệch. Việc dành nhiều giờ để truy cập vào internet, tham gia các trang mạng xã hội, chơi game điện tử… khiến trẻ lơ là việc học, lười vận động, làm việc nhà phụ bố mẹ… Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao, hình thành nên tính cách không tốt.

Ai bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?

Ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia đào tạo nhận thức an toàn thông tin cho biết: “Hiện nay các nhà xây dựng chính sách và các nhà giáo dục họ cũng đã biết nhưng chưa có một tiếng nói nào để thống nhất rằng, trẻ em ở từng độ tuổi đang phải gánh chịu một áp lực về hiểm họa online nhiều như thế nào. Có ứng dụng mạng xã hội rất nổi tiếng thuật toán của nó làm cho người xem bị mất giờ rất nhiều. Bạn càng muốn xem cái gì nó càng ẩy đủ thông tin cho bạn về phần đó và làm cho nhận thức của bạn về cuộc sống bị méo mó. Đấy là một thứ vô hình không làm hại người ta nhưng làm cho trí lực của người theo dõi mảng đó sẽ bị lùn dần đi vào bị lệch lạc, cái đó không ai thống kê cả, chỉ có cấm hoặc không cấm”.

Trước thực tế này, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn, làm thể nào để con vẫn vào mạng internet học tập, giải trí nhưng không bị lôi kéo vào các luồng thông tin xấu độc? Ông Ngô Việt Khôi cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều giải pháp để kiểm soát thời gian trẻ em tham gia vào không gian mạng, tạo lập môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Trên các thiết bị điện thoại thông minh hay máy tính bảng, máy tính cá nhân đều có cài sẵn bộ lọc, bố mẹ có thể tìm hiểu hoặc nhờ người biết về công nghệ cài đặt để kiểm soát thời gian cũng như hạn chế các đường truyền xấu độc.

“Hiện nay nhà mạng họ chỉ cung cấp cho chúng ta một đường truyền internet, còn chất lượng như thế nào thì nhà mạng họ đang chưa chịu trách nhiệm. Chúng ta có thể chủ động bật các bộ lọc mà chúng ta có thể có được. Nó không quá cao siêu về kỹ thuật mà lại là tính năng có sẵn, có thể là trên thiết bị, có thể là trên đường truyền, giúp lọc những nội dung không phù hợp ít vào gia đình chúng ta hơn”- ông Khôi nói.

Là một công ty đang cung cấp các phần mềm giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin, CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS cho biết: “Chúng tôi chủ động kích hoạt chế độ trẻ em, chẳng may các con tìm kiếm những nội dung, từ khóa không phù hợp tự hệ thống sẽ loại toàn bộ nội dung đó ra và không cho tiếp cận những nội dung đấy vào các thiết bị của con, điều đó sẽ tạo ra môi trường internet an toàn. Một tính năng nữa là kiểm soát thời gian sử dụng internet. Chúng ta cần phải có sự thống nhất với các con, trao đổi, chia sẻ với các con và sau đó chúng ta sẽ dùng những biện pháp kỹ thuật để thực hiện những việc mà thống nhất với con như vậy và chúng tôi hướng tới việc là phụ huynh nào cũng có thể sử dụng được phần mềm này”.

Thực hiện công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục Trẻ em, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp đăng tải hình ảnh, video có nội dung xấu độc hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, cần trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để tự bảo vệ, biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng.

“Trên môi trường mạng thì làm thế nào để từ hành vi, từ những tổn hại môi trường mạng có thể chuyển sang kết nối với những hỗ trợ bằng các dịch vụ để giảm nhẹ những tổn hại đối với trẻ em, đặc biệt là tổn hại sức khỏe, tâm thần, về tâm lý rất quan trọng. Cho nên Cục Trẻ em cũng đang triển khai xây dựng quy trình để có thể kết nối, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng kết nối với các dịch vụ với các điều kiện chăm sóc một cách đầy đủ và toàn diện để giảm thiểu tổn hại cho trẻ”- ông Nam nói.

Một trong những nhóm giải pháp quan trọng trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nhiệm các bên liên quan, nhất là gia đình. Cha mẹ phải là người chủ động cập nhật kiến thức, hướng dẫn con em kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh, tham gia mạng xã hội an toàn. Trường học thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh khi tham gia không gian mạng. Chính quyền, ngành chức năng tích cực vào cuộc, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm liên quan đến không gian mạng.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/giai-phap-nao-kiem-soat-tre-em-su-dung-internet-an-toan-hieu-qua-a59916.html