Tiệm gà rán sinh viên ‘hồi sinh’ sau mùa dịch nhờ GoFood

Ở tuổi U60, cô Nguyễn Thị Hoa thử sức mở tiệm gà rán để tìm thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nhờ lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp, mạnh dạn thử nghiệm bán online, sau 1 năm, cô Hoa đã tự tin một mình quán xuyến cửa tiệm.

Tiệm gà rán "một người"

Đến Quán gà rán cô Hoa nằm ở đường vào Khu Đại học quốc gia, TP. Thủ Đức, mọi người có ấn tượng thân thương về một người phụ nữ chân chất làm việc luôn tay, tạp dề vương đầy vụn bột xởi lởi, niềm nở chiên gà, chiên khoai, bán hàng cho khách. Cạnh xe gà rán của cô còn đặt một chiếc bàn may đã nhuốm màu thời gian. Đó là cô Nguyễn Thị Hoa, vừa là chủ quán, vừa là đầu bếp, thu ngân kiêm luôn tạp vụ.

Là người gốc Nam Định vào TP.HCM lập nghiệp từ những năm 1990, với quan niệm phụ nữ phải độc lập tài chính và tự lo được cho bản thân, cô Hoa đã thử qua nhiều nghề để lo cho gia đình và nuôi con trai trưởng thành. 

Trước đây, cô Hoa vừa bán quán cơm, vừa nhận sửa quần áo ngay tại nhà. Nhận thấy sự bất tiện vì mặt bằng nhà nhỏ hẹp, ít chỗ để khách ngồi, cô Hoa quyết định thay đổi. Năm 2019, nhiều bạn bè, hàng xóm bất ngờ khi cô Hoa quyết định chuyển sang bán gà rán và đồ ăn vặt, từ đó Quán gà rán cô Hoa ra đời.

Cô Hoa tâm sự: "Bán cơm tốn nhiều thời gian và công sức do phải làm nhiều món. Hơn nữa, mặt bằng nhà cũng nhỏ hẹp, khách muốn ngồi lại ăn cũng không được, lại không có chỗ để xe, khả năng cạnh tranh của quán tất nhiên cũng giảm đi. 

Vì vậy, tôi thấy mình cần phải tìm món ăn khác có thể bán mang đi. Nhà nằm ngay khu tập trung nhiều trường đại học, đông sinh viên, tôi nghĩ đến các món ăn vặt. Thế là tôi quyết định lựa chọn món gà rán để kinh doanh".

Tiệm gà rán sinh viên ‘hồi sinh’ sau mùa dịch nhờ GoFood - Ảnh 1.

Ở tuổi xế chiều, cô Hoa vẫn làm việc không ngơi nghỉ, thậm chí còn ấp ủ nhiều kế hoạch kinh doanh riêng.

Khi quyết định bán gà rán, gia đình, hàng xóm đều nói cô Hoa liều vì bản thân cô chẳng bao giờ ăn gà rán. Tất cả cô đều phải tự học hỏi, mày mò và thử nghiệm. 

Thời gian đầu, bà chủ sinh năm 1965 mỗi ngày chỉ dám lấy về 2kg gà rồi áp dụng công thức tẩm ướp, làm bột mình tự học nhưng mãi vẫn thấy chưa vừa ý. Cô Hoa còn mời người nhà và bạn bè thân quen ăn thử rồi góp ý song song với việc lắng nghe phản hồi từ khách hàng để dần cân chỉnh công thức. Phải sau 1 năm, cô Hoa mới thực sự hài lòng về hương vị món gà của mình.

Một phần gà rán của cô Hoa dao động từ 20 – 50 nghìn đồng. Mỗi ngày, cô dậy từ 6 giờ sáng và kết thúc công việc vào 12 giờ đêm. Một mình cô đi chợ để lấy gà tươi, vào bếp sơ chế, nấu nướng và dọn dẹp.

Quán nhỏ của cô Hoa được nhiều sinh viên ủng hộ vì giá mềm, phần ăn nhiều và chất lượng. "Mấy năm qua, một mình làm tôi cũng có chút mệt. Nhưng vui vì tiệm duy trì được lượng khách vừa đủ, cho tôi thêm nguồn thu nhập. Có nhiều bạn sinh viên ăn gà rán của tôi đến khi ra trường rồi vẫn quay lại tìm mua. Tôi thấy vui vì những điều nhỏ như vậy", cô Nguyễn Thị Hoa thổ lộ.

Mạnh dạn nắm bắt cơ hội

Mở tiệm gà rán được một năm, cô Nguyễn Thị Hoa từng gặp thách thức lớn khi dịch Covid-19 bùng phát. Thời gian đó, cô kinh doanh cầm chừng. Khi thành phố trở về với trạng thái bình thường mới, cũng như bao cửa hàng kinh doanh khác, cô Hoa cũng phải chật vật tìm lại mối khách hàng quen. 

Đến cuối năm 2022, bà chủ Quán gà rán cô Hoa được Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM vận động tham gia chuỗi lớp học của dự án "Quán nhỏ vượt sóng to" thuộc chiến dịch "Để không ai bị bỏ lại phía sau - mùa 3" do Gojek tổ chức. Tại đây, cô Nguyễn Thị Hoa lần đầu biết đến khái niệm kinh doanh thức ăn qua app.

Tiệm gà rán sinh viên ‘hồi sinh’ sau mùa dịch nhờ GoFood - Ảnh 2.

Chương trình Quán nhỏ vượt sóng to do Gojek tổ chức nhằm hỗ trợ các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ như quán gà rán của cô Hoa thực hiện chuyển đổi số.

Cô được trang bị thêm kiến thức về kinh doanh online, cách quản lý chi tiêu hợp lý và cả cách chụp ảnh, quảng bá sản phẩm sao cho hiệu quả. Cô Hoa cho biết ban đầu cô cũng sợ và đắn đo do thấy bản thân đã lớn tuổi, " lúa" công nghệ, lại còn chưa bao giờ bán hàng qua mạng. 

Tuy nhiên, bà chủ 58 tuổi nghĩ đây là cơ hội hiếm hoi để được biết thêm về cách kinh doanh mới. Vì vậy, cô Hoa mạnh dạn tham gia các buổi học và được thử nghiệm cái mới. Tháng 1/2023, sau khi kết thúc khóa học, cô Nguyễn Thị Hoa cũng được Gojek hỗ trợ đưa tiệm gà rán lên hoạt động trên nền tảng đặt đồ ăn GoFood.

Giờ đây, bên cạnh những vị khách quen trong khu vực, cô Hoa cảm thấy thú vị khi được phục vụ thêm những khách hàng đặt đơn từ xa. Nhiều khách hàng sau khi thử đặt gà rán tiệm cô Hoa qua app thì lại thích và quay lại tìm mua trực tiếp. Việc kinh doanh gà rán của cô Hoa đi vào ổn định trong vòng 6 tháng qua.

Cô Hoa chia sẻ: "Mình bây giờ còn sức khỏe, tiếp thu được cái mới được bằng nào hay bằng đấy. Tôi cũng không kỳ vọng hay đặt áp lực cho bản thân nhưng tôi thấy cái gì cũng phải thử trước đã rồi mới biết. Tôi cũng thuộc tuýp người thích làm việc, ngồi không là bứt rứt, khó chịu lắm. Nhiều người bảo sao tôi không thuê thêm người phụ giúp.

 Tôi thấy với tình hình hiện tại, một mình tôi vẫn có thể lo được cho tiệm. Tuy nhiên biết đâu tương lai, nhờ việc mở bán hàng online này mà việc buôn bán thuận lợi hơn, cần mở rộng kinh doanh thì khi đó mình sẽ thuê thêm người".

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tiem-ga-ran-sinh-vien-hoi-sinh-sau-mua-dich-nho-gofood-a59281.html