Đổi tên 'căn cước công dân' thành 'căn cước' không phát sinh thủ tục, chi phí

Cơ quan thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) nhận định việc đổi tên từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước không phát sinh thủ tục, chi phí xã hội.

Sáng 28/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV cho ý kiến dự thảo Luật Căn cước (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới cho biết về tên gọi của thẻ căn cước có 2 loại ý kiến.

Đổi tên 'căn cước công dân' thành 'căn cước' không phát sinh thủ tục, chi phí - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình và cho rằng, việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước có ưu điểm thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ chứa thông tin về căn cước của người dân, giúp phân biệt người này với người khác, xác định danh tính trong thực hiện giao dịch…

Đồng thời, tên thẻ căn cước bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước. Ngoài ra, việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh chi phí vì căn cước công dân hiện tại vẫn còn giá trị sử dụng đến thời điểm đổi.

Tuy nhiên, hạn chế là có tâm lý cho rằng chính sách của Nhà nước thiếu ổn định; e ngại việc thay đổi tên làm phát sinh thủ tục đổi thẻ và phát sinh chi phí đổi.

Bên cạnh đó, việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước phần nào dẫn đến xáo trộn khi thể hiện thông tin về căn cước/căn cước công dân trong các giấy tờ của công dân có sử dụng thông tin. Chưa thể hiện tính chất cá thể hóa và không thể hiện địa vị pháp lý của người được cấp là công dân Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho biết, loại ý kiến thứ hai là đề nghị giữ nguyên tên căn cước công dân như luật hiện hành.

Theo loại ý kiến này, việc sử dụng tên thẻ căn cước công dân có ưu điểm thể hiện rõ người được cấp thẻ là công dân Việt Nam; phù hợp với đối tượng được cấp thẻ là công dân Việt Nam như Chính phủ trình; khẳng định địa vị pháp lý ngay từ tên thẻ; thể hiện tính cá thể hóa của người được cấp thẻ; không tác động tâm lý đối với một bộ phận người dân.

Song hạn chế là chưa bảo đảm sự tương đồng về tên với thông lệ chung của thế giới, có thể dẫn đến không sử dụng được khi hội nhập quốc tế.

" Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho rằng việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội ", ông Lê Tấn Tới nêu rõ.

Tuy nhiên, đây là nội dung các vị đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau,Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến để lựa chọn quyết định về tên gọi của thẻ.

Liên quan đến tên gọi của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết cũng còn 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình, cho rằng việc sử dụng tên gọi này có những ưu điểm và hạn chế.

Trong đó, ưu điểm thể hiện bao quát, đầy đủ các chính sách được đề xuất khi đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thể hiện đúng bản chất của công tác quản lý căn cước.

Cùng đó, không tác động đến vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân; không tác động đến các luật khác.

Song có hạn chế là tác động đến tâm lý một bộ phận người dân, lo ngại sẽ phải thay đổi căn cước công dân, thay đổi các thủ tục hành chính sử dụng căn cước công dân, không bảo đảm sự ổn định của chính sách. Tác động đến đại đa số công dân Việt Nam đang được cấp và sử dụng thẻ căn cước công dân.

Loại ý kiến thứ hai, theo ông Lê Tấn Tới, đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân.

Về ưu điểm tên gọi này đã sử dụng ổn định, góp phần giữ ổn định các quy định của pháp luật hiện hành, các loại giấy tờ, thủ tục hành chính, dân sự, phù hợp với tên gọi trong Nghị quyết số 33/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tên gọi Luật Căn cước công dân gắn với tên gọi căn cước công dân thể hiện địa vị pháp lý là công dân Việt Nam với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, có hạn chế là thể hiện không đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật này, chưa phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

" Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật ", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới nêu quan điểm.


Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/doi-ten-can-cuoc-cong-dan-thanh-can-cuoc-khong-phat-sinh-thu-tuc-chi-phi-a58927.html