Khi cô bán rau, chị bán bánh mì cũng có QR Code: "Tiền mặt rườm rà, sáng sớm đưa 500k phải chờ đi đổi"

So với trước đây, thói quen thanh toán không tiền mặt đã và đang phủ sóng khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Không chỉ giới trẻ ưa chuộng, các cô chú lớn tuổi, buôn bán nhỏ lẻ cũng đang thích ứng để giúp việc mua bán trở nên hiệu quả, tiện lợi và an toàn hơn.

Tự tin sống không tiền mặt

Đó là chia sẻ của Uyên Lê (ngụ quận Bình Thạnh) khi nhiều năm nay, Uyên đã chuyển từ việc thanh toán bằng tiền mặt thông qua các ứng dụng trả tiền online.

Khi cô bán rau, chị bán bánh mì cũng có QR Code-

"Mình không rút quá nhiều tiền mặt mà thường dùng hình thức chuyển khoản, trả bằng ví điện tử tới 80%. Mình thấy khá là tiện khi ra ngoài đường, an toàn hơn cũng như giúp việc thanh toán trở nên nhanh chóng, dễ dàng.

80% giao dịch mua sắm, ăn uống, sinh hoạt của Uyên Lê đều không sử dụng tiền mặt

Bây giờ các cô chú bán hàng hầu như đều có mã QR Code hoặc ví điện tử nên việc thanh toán cũng dễ dàng hơn. Mình nghĩ mọi người đang sống trong thời đại chuyển đổi số nên việc tiếp cận công nghệ là cần thiết, ai cũng phải dần thay đổi theo sự thay đổi của xã hội", Uyên Lê nói.

Cũng giống như Uyên Lê, chị Lan Anh (ngụ quận 3) cho biết so với trước đây, bản thân chị thường rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi nhiều lần không thể thanh toán vì không mang tiền mặt trong người.

Độ phủ sóng của thói quen thanh toán không tiền mặt: Từ hàng ăn uống vỉa hè đến chợ dân sinh, ai ai cũng có mã QR Code - Ảnh 2.

Mã QR Code ngày càng phổ biến trong đời sống của người dân từ nhà hàng, siêu thị đến chợ dân sinh

"Nhiều lúc mình không thể mua hàng vì chủ quán không nhận tiền chuyển khoản, giờ thì hầu như ai ai cũng sử dụng mã QR Code nên mình không còn e ngại khi ra đường không mang tiền mặt nữa. Rất là tiện dụng, cũng an toàn hơn cho chính bản thân mình", chị Lan Anh chia sẻ.

Để việc giao hàng trở nên nhanh chóng, hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Mạnh Trân đã in sẵn mã QR Code dán trên xe của mình để khách chuyển tiền được thuận tiện.

Là một shipper lâu năm, trước đây khi giao dịch bằng tiền mặt, nhiều đơn hàng với số tiền lớn, chị Trân lo ngại về mức độ an toàn của bản thân.

Chị Trân cũng như nhiều shipper, tài xế xe ôm công nghệ đã in hẳn mã QR Code dán trên xe để công việc được thuận tiện hơn

"Giờ thì khách chỉ cần quét mã có thể chuyển tiền vào tài khoản của chị, an toàn hơn, chứ cầm tiền mặt nhiều quá nó cũng nguy hiểm, nhất là đi đường xe cộ như thế này", chị Trân chia sẻ.

Mua ổ bánh mì 15k cũng chuyển khoản cho tiện!

Mặc dù chỉ buôn bán súp cua ngoài đường nhưng có đến 90% khách hàng của chị Nguyễn Phi Yến (ngụ quận 4) chọn thanh toán không tiền mặt. So với trước đây, việc khách hàng thanh toán qua ví điện tử khiến chị Yến thấy tiện lợi hơn rất nhiều.

Độ phủ sóng của thói quen thanh toán không tiền mặt: Từ hàng ăn uống vỉa hè đến chợ dân sinh, ai ai cũng có mã QR Code - Ảnh 4.

Chị Yến hào hứng khi nói đến những tiện dụng của việc thanh toán không tiền mặt mang lại

"Đa phần khách của chị chuyển khoản hết, mua ít mua nhiều gì cũng vậy, họ rất ít dùng tiền mặt. Tiền vô tài khoản hết chị cũng an tâm, chứ giữ tiền mặt lại lo, mở tủ ra vô hoài nguy hiểm, nhiều lúc đang ngồi đếm tiền khách lại mua hết hồn hoài. Tiền mặt rườm rà, lúc sáng sớm khách mà đưa 500 ngàn là phải chờ đi đổi nữa", chị Yến dí dỏm kể.

Cũng giống như chị Yến, hơn 1 năm nay, cô Phượng đã nhờ con gái làm mã QR Code dán trước xe bán đồ ăn sáng của mình để khách hàng tiện thanh toán.

"Mấy đứa làm ở đây nó không dùng tiền mặt, mua ổ bánh mì 15 ngàn cũng chuyển khoản. Từ khi dùng mã QR Code chị thấy dễ dàng hơn, mình đỡ phải thối tiền. Thậm chí tiền vô tài khoản, mình còn tiết kiệm, đỡ xài nữa", cô Phượng vui vẻ nói.

Cô Phượng cũng phải tập làm quen với việc khách hàng thanh toán không tiền mặt

Trong khi đó, anh Phạm Minh Khang đã dùng mã QR Code được hơn 2 năm để thuận tiện hơn cho bản thân và khách hàng. Nhận thấy các bạn trẻ có xu hướng không đem tiền mặt ra đường, anh Khang liền triển khai dùng mã QR Code.

"Anh nghĩ việc thanh toán càng ngày sẽ dễ dàng hơn, ngay cả bản thân anh đi café hay ăn uống cũng vậy, đều chọn trả qua ví điện tử. Khách hàng chuyển vào tài khoản cũng giúp anh thanh toán tiền hàng dễ hơn, đỡ phải ra ngân hàng nộp vô như trước. Xu hướng của xã hội mà, buộc mình phải thay đổi để thích ứng, nó lại giúp việc buôn bán của mình thuận tiện hơn. Lúc trước khách đông phải đổi tiền lẻ, chuẩn bị trước, giờ thì không cần nữa", anh Khang chia sẻ.

Anh Khang cho biết việc thanh toán không tiền mặt đã và đang phổ biến, nó cũng cho thấy xã hội ngày một phát triển hơn

Đa phần mọi người đều cho rằng sự xuất hiện của các phương án thanh toán không tiền mặt khiến việc trao đổi, mua bán trở nên dễ dàng, tiện dụng và an toàn hơn. Nếu trước kia, việc thanh toán không tiền mặt chỉ được áp dụng ở một số địa điểm nhất định thì hiện tại nó đã phủ sóng khắp nơi, từ siêu thị, nhà hàng đến quán xá ven đường, cô chú bán rau cá ngoài chợ. Tất cả đều hài lòng với sự xuất hiện của phương thức giao dịch không tiền mặt bởi tính năng tiện dụng, an toàn mà nó mang lại.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/khi-co-ban-rau-chi-ban-banh-mi-cung-co-qr-code-tien-mat-ruom-ra-sang-som-dua-500k-phai-cho-di-doi-a57942.html