Cuối giờ chiều 8/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 7 năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Về công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kết quả từ 1/7/2023 đến 24/7/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).
Google đã gỡ 1.052 video vi phạm trên Youtube (đạt tỷ lệ đáp ứng 91%). TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).
Ngày 4/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo phổ biến thông tư hướng dẫn Nghị định số 71/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó có nội dung quản lý sản phẩm văn hoá trên các nền tảng xuyên biên giới.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới. Đặc biệt, đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào đều không được chấp nhận.
Chia sẻ tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với những video gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ được báo chí phản ánh, cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc rất nhanh để xử lý.
Đối với các clip dàn dựng, gây tranh cãi xuất hiện nhiều trên mạng thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, thông qua phản ánh từ báo chí và mạng xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải đánh giá các thông tin đó có vi phạm pháp luật hay không. Nếu những nội dung đăng tải trên mạng có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý.
“Với những nội dung không tích cực nhưng cũng chưa phổ biến, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đánh giá và có hướng xử lý” - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, đồng thời nêu, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử mong muốn các cơ quan báo chí phát hiện, đánh giá, lên án và cảnh báo đối với các nội dung trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu tới người sử dụng.
Liên quan đến kết quả kiểm tra toàn diện Tiktok tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến thời điểm hiện nay vẫn đang hoàn thiện kết luận, cũng như bổ sung các nội dung liên quan. Khi nào có kết luận chính thức sẽ cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí.