Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế, việc thích ứng linh hoạt là quan trọng để DN không chỉ trụ được, mà có thể tăng trưởng tốt. Các chuyên gia khẳng định, chuyển đổi số, kết nối và phân phối sản phẩm đa kênh là những giải pháp thiết thực, cần được nhiều DN, nhiều lĩnh vực ngành nghề nỗ lực tìm hiểu, áp dụng. Hiện khá nhiều DN nhỏ và vừa lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm đã và đang linh hoạt thay đổi thích ứng theo cách thức này.
NIC Group là DN đa ngành nhận diện rõ, bên cạnh việc giữ vững các kênh phân phối nội địa, phải thúc đẩy xuất khẩu. Không phải cách thức xuất khẩu truyền thống, đó là thương mại điện tử xuyên biên giới, có nghĩa là gia tăng chuyển đổi số trong hoạt động xuất khẩu.
“DN đang rất quan tâm và kỳ vọng có được hệ thống ứng dụng CNTT - chuyện số hoá để quản lý dây chuyền, quản lý chuỗi cung ứng nông sản. Vấn đề này đang rất thời sự, cấp bách, từ nhà nước cho đến DN đều đang tập trung, cho nên với NIC hoạt động này rất quan trọng”, ông Đặng Mạnh Phổ, cố vấn cao cấp của NIC cho biết.
Tương tự, nếu Ban Giám đốc Công ty CP IGV Group không chuyển đổi số, không mày mò tìm hiểu các giải pháp công nghệ hiện đại, sản phẩm của DN đã không được nhiều người biết đến như bây giờ. Theo đại diện IGV Group, dù có tiềm năng, nhưng nếu chỉ tìm cách quảng bá, phân phối sản phẩm truyền thống chắc chắn không hiệu quả, DN đã và đang đẩy mạnh phân phối sản phẩm online và tìm đến các kênh hỗ trợ chuyển đổi số DN.
Trên thực tế, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của một vài DN đơn lẻ như NIC hay IGV, đây đang là mong muốn của hầu hết các DN thuộc nhiều lĩnh vực có quy mô khác nhau. Chuyển đổi số trở thành vấn đề được sự quan tâm ở tầm vĩ mô, với những bài toán dành cho từng cơ quan chức năng khác nhau, liên quan tới các nỗ lực xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm hàng hoá Việt như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT…
Trên thực tế, cơ quan quản lý đã và đang có nhiều nỗ lực cho tiến trình này. Sản phẩm cuốn sổ tay “Chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm” của Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ NN&PTNT ra mắt hồi cuối tháng 6 vừa qua là ví dụ.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cuốn sổ tay giúp cho người nông dân hiểu được tầm quan trọng của việc số hoá, thông qua những việc như truy xuất nguồn gốc, đầu tư KHCN, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như tăng cơ hội tiếp cận vào các thị trường xuất khẩu.
Từ thực tế ứng dụng chuyển đổi số, ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT khẳng định, quá trình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản hay lâm nghiệp đều phải chuyển hoá từ trạng thái vật lý, đưa những thông tin đó lên môi trường số để gắn kết chủ thể kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước và giảm thiểu chi phí.
“Chúng ta có thể kể những câu chuyện từ sản xuất, canh tác hay chế biến thông qua chuyển đổi số. Người tiêu dùng cũng biết sản phẩm thông qua ứng dụng số. Đấy chính là những câu chuyện làm gia tăng giá trị của sản phẩm”, ông Toản thừa nhận.
Một thông tin đáng chú ý từ Bộ NN&PTNT, thị trường thực phẩm chế biến toàn cầu ước tính đạt tỷ lệ tăng trưởng khoảng 3,8% từ nay đến năm 2028 và thị trường Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Chính phủ đang coi đây là một trong những ngành công nghiệp cần được ưu tiên phát triển với rất nhiều giải pháp cần nhận diện, linh hoạt áp dụng chuyển đổi như thu thập, phân tích dữ liệu, truy xuất nguồn gốc, quản lý vận tải, quản lý kho và hàng tồn kho, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý bán hàng đa kênh... Trong đó, bán hàng đa kênh và truy xuất nguồn gốc đã và đang được coi trọng nhằm tăng doanh thu, tăng liên kết chuỗi, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại.
Những câu chuyện thực tiễn từ NIC, IGV hay việc hợp tác liên ngành, ra mắt sổ tay chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm cho thấy, từ cấp DN đến tầm vĩ mô đều đã và đang có những bước tiến nhất định trong nỗ lực chuyển đổi số, nhằm quảng bá, phân phối thực phẩm từ trong nước đến xúc tiến xuất khẩu. Đây là bước đi đúng đắn, cần được thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nội địa và quốc tế có nhiều khó khăn, diễn biến khó lường.