Bloomberg: Một thập kỷ sau Flappy Bird, Việt Nam đang trở thành trung tâm lớn về phát triển trò chơi điện tử

Sự thành công của Flappy Bird đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà phát triển game đình đám của Việt Nam, hãng tin Bloomberg nhận định.

Đầu năm nay, sự kiện Ngày GameVerse Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện này nằm trong chiến lược chung hướng đến thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường phát triển ứng dụng giải trí nóng nhất trong khu vực.

Nhằm đa dạng hóa ngành công nghiệp số của mình, Việt Nam hiện coi trò chơi trên thiết bị di động là một loại sản phẩm xuất khẩu và là một phần trong chiến lược phát triển công nghệ số chung. Mục tiêu này cũng phù hợp với tiềm năng kinh tế của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Theo Bloomberg, thị trường trò chơi di động toàn cầu ước tính sẽ vượt quá 300 tỷ USD vào năm tới, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 7% trong thời gian tiếp theo.

Tiềm năng lớn của Việt nam trong ngành game

Cũng theo data.ai, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất trò chơi di động theo lượt tải xuống trong nửa đầu năm 2023. Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất ở châu Á và khoảng một nửa dân số quốc gia dưới 30 tuổi.

Bloomberg: Một thập kỷ sau Flappy Bird, Việt Nam đang trở thành trung tâm lớn về phát triển trò chơi điện tử - Ảnh 1.

Văn phòng của công ty phát triển game Topebox tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bloomberg.

Ngành công nghiệp trò chơi Việt Nam đang phát triển và được dẫn dắt dưới tay các nhà phát triển trò chơi và các công ty khởi nghiệp, ví dụ như Amanotes, nổi tiếng với các trò chơi âm nhạc trên thiết bị di động hay nhà phát hành game Falcon Squad OneSoft.

Số lượng ngày càng tăng các nhà phát triển này cũng phản ánh thành công của Việt Nam trong việc củng cố hệ thống giáo dục. Học sinh Việt Nam thường xuyên vượt trội so với học sinh ở Mỹ và các nước OECD khác trong bảng xếp hạng đánh giá học sinh quốc tế PISA. Trẻ em Việt Nam cũng ngày càng quan tâm đến kỹ thuật và các công nghệ số hiện đại. Các trại hè viết mã (code) cho trẻ em ngày càng phổ biến, trong khi các trường đại học cũng đưa việc phát triển trò chơi vào chương trình giảng dạy.

Khôi Nguyên, người sáng lập Good Story Time, công ty khởi nghiệp chuyên về các công cụ phát triển trò chơi điện tử, cho biết: "Ở Thành phố Hồ Chí Minh đang tràn ngập tinh thần dám nghĩ dám làm như ở Thung lũng Silicon. Các tài năng kỹ thuật công nghệ ở đây cũng rất xuất sắc".

Việt Nam lần đầu tiên thu hút sự chú ý của các game thủ toàn cầu vào năm 2013 sau khi lập trình game Nguyễn Hà Đông phát triển ra một ứng dụng trò chơi đơn giản nhưng gây nghiện có tên Flappy Bird. Trò chơi này đã mang về cho tác giả tới 50.000 USD mỗi ngày từ các quảng cáo được phát kèm game. Điều này đã cho các lập trình viên Việt Nam thấy được tiềm năng thành công của ngành game.

Thái Thanh Liêm, giám đốc điều hành của nhà phát hành trò chơi Topebox, nhớ lại sự phấn khích cách đây một thập kỷ. Anh và những người bạn của mình đã làm việc không mệt mỏi để phát triển ra nhiều ứng dụng trò chơi miễn phí và sau này chúng đã được người dùng điện thoại thông minh trên toàn thế giới tải xuống.

"Chúng tôi ăn, ngủ và làm việc cùng nhau trên căn phòng áp mái", anh nói về những đêm chật chội bên chiếc máy tính xách tay trong căn phòng nhỏ.

Trò chơi đầu tiên của họ, trong vòng một năm, đã đạt được nửa triệu lượt tải xuống và 1 triệu USD doanh thu toàn cầu. Những trò chơi khác cũng ngày càng được đón nhận rộng rãi hơn. Đặc biệt, trò Sky Dancer đã được công ty mẹ ByteDance của TikTok Inc. phát hành tại Trung Quốc và được tải xuống ít nhất 50 triệu lần.

Đà phát triển mạnh của ngành game Việt Nam và khu vực

Các công ty phát triển game hiện có mặt khắp Việt Nam và đang cạnh tranh để tạo ra những trò chơi có thể nổi tiếng toàn cầu. Trò Magic Tiles 3 của Amanotes nằm trong top 20 trò chơi di động hàng đầu về lượt tải xuống vào năm ngoái, theo Sensor Tower Inc., công ty chuyên nghiên cứu về thị trường ứng dụng di động và quảng cáo kỹ thuật số. Amanotes cho biết trò chơi này đã được tải xuống hơn một tỷ lần kể từ khi phát hành vào năm 2017.

Bloomberg: Một thập kỷ sau Flappy Bird, Việt Nam đang trở thành trung tâm lớn về phát triển trò chơi điện tử - Ảnh 2.

Văn phòng của Amanotes tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bloomberg.

Hiện Amanotes cũng đang thảo luận với các nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm các công ty cổ phần tư nhân và các nhà đầu tư mạo hiểm, để mở rộng quy mô kinh doanh, theo nhà đồng sáng lập Bill Võ.

Còn OneSoft năm ngoái cũng là công ty ra mắt trò chơi di động lớn thứ tư thế giới về số lượt tải xuống từ App Store và Google Play, theo data.ai. Một tên tuổi khác tại Việt Nam là Zego Studio cũng xếp thứ 9 trong số các công ty phát triển ứng dụng và trò chơi di động trên toàn thế giới về số lượt tải xuống trong quý 4 năm ngoái, theo Sensor Tower.

Trong quá trình phát triển, các nhà phát triển trò chơi điện tử Việt Nam cũng đang tích lũy kinh nghiệm. Và việc ứng dụng các công nghệ mới có thể giảm chi phí sản xuất, đồng thời giúp tạo ra các trò chơi phức tạp hơn, Trần Bình, đồng sáng lập công ty Ascend Vietnam Ventures tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Ngành trò chơi di động Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ với các chính sách và giải pháp tạo thuận lợi cho các nhà phát triển.

Trong khi thế giới đang hướng đến đa dạng hóa các chuỗi sản xuất, khách hàng trên toàn thế giới cũng đang tìm kiếm nhiều nhà phát triển game từ những thị trường mới cho các dự án tối tân nhất. "Bối cảnh này giúp ngành game Việt Nam — và toàn bộ Đông Nam Á — trở nên hấp dẫn hơn", Samuel Stevenin, người phụ trách bộ phận sáng tạo nghệ thuật của công ty phát triển trò chơi điện tử Virtuos Ltd, cho biết.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/bloomberg-mot-thap-ky-sau-flappy-bird-viet-nam-dang-tro-thanh-trung-tam-lon-ve-phat-trien-tro-choi-dien-tu-a55520.html