Theo tờ Washington Post, người đứng đầu Instagram là ông Adam Mosseri nhận được “hung tin” Elon Musk mua lại Twitter vào tháng 11/2022 khi đang đi du lịch cùng gia đình tại Italy.
Vậy là giờ đây đội ngũ của ông sẽ phải đối đầu trực tiếp với vị tỷ phú giàu nhất hành tinh. Thế nhưng ông chủ Mark Zuckerberg của Meta, sở hữu Facebook lẫn Instagram, thì lại cho rằng đây là một cơ hội.
Cụ thể, CEO Mark Zuckerberg cùng nhiều giám đốc cấp cao của Meta nhận định sự lộn xộn khi Elon Musk tiếp quản Twitter là cơ hội cực lớn để đế chế Facebook thu hút những người sáng tạo nội dung về làm việc cho họ. Ngay lập tức, nhà sáng lập Mark Zuckerberg gọi điện cho Mosseri họp online khẩn.
Vậy là vào nửa đêm theo giờ Italy, Mosseri phải họp bằng giọng thì thầm để tránh đánh thức vợ con, bàn với Mark Zuckerberg cùng đội ngũ lãnh đạo về việc phát triển những tính năng tương tự như của Twitter để cạnh tranh bằng nền tảng của Meta.
“Nếu chúng ta chơi lớn hơn thì sao nhỉ?”, Mark Zuckerberg bất ngờ nảy ra ý tưởng.
Vậy là khi cuộc họp trực tuyến kết thúc, Mossei giờ đây phải chịu trách nhiệm xây dựng một ứng dụng đối đầu cùng Twitter.
Thành công nhờ...sa thải?
“Lạy chúa, chúng tôi phải nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề này bởi Maek Zuckerberg quá háo hức về ý tưởng đó. Đôi khi bạn có thể nhận ra khi nào thì anh ấy muốn chia miếng bánh lợi nhuận từ thứ gì đó”, ông Mosseri nhớ lại.
Thế rồi chỉ 7 tháng sau đó, Meta cho ra mắt Threads, một mạng xã hội khiến ngay cả những người tạo ra chúng cũng phải bất ngờ về độ thành công ban đầu.
Threads được ra mắt sớm 1 tuần so với dự kiến nhằm tận dụng những rắc rối mà Elon Musk đang gặp phải với Twitter, ví dụ như giới hạn số bài đăng được xem mỗi ngày gây bức xúc cho người dùng.
Chỉ trong 5 ngày ra mắt, Threads đã thu hút hơn 100 triệu người dùng, biến ứng dụng này thành mạng xã hội thành có màn ra mắt thành công nhất trong lịch sử. Tuy nhiên sự thành công này chẳng kéo dài được lâu khi các váo cáo vào ngày 5/7 cho thấy lượng người dùng Threads đã giảm hơn một nửa so với thời kỳ đỉnh cao ban đầu.
Câu chuyện Meta đi sao chép các tính năng của những bên khác để rồi không thành công chẳng có gì lạ, ví dụ như Instagram Stories, thế nhưng dự án Threads lại được nhiều chuyên gia đánh giá là có tiềm năng giúp Mark Zuckerberg vượt qua khỏi những rắc rối hiện nay của Meta.
Chịu ảnh hưởng từ những vụ bê bối kiểm soát nội dung, cạnh tranh từ Tiktok và nền kinh tế nói chung, Facebook đã phải sa thải hàng loạt nhân viên mà họ đã tuyển dụng ồ ạt trước cũng như trong đại dịch. Thế rồi giấc mơ vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg dần thành “bom xịt”, để rồi tập đoàn này còn chậm chân hơn các hãng công nghệ khác trong mảng trí thông minh nhân tạo dù đã từng nghiên cứu kỹ thuật này từ sớm.
Với quan điểm chấp nhận rủi ro cho một dự án mạo hiểm từ Mark Zuckerberg, ông Mosseri đã thành lập nên một đội kỹ thuật tinh gọn chưa đến 60 người để phát triển Threads.
Bất ngờ thay là chính sự sa thải hàng loạt, tinh gọn bộ máy đã giúp nền tảng mới được phát triển dựa trên nhiều nhóm kỹ thuật nhỏ hợp tác lại với nhau một cách hiệu quả.
Nhờ đó, việc Threads ra đời chỉ trong 7 tháng kể từ khi thai nghén ý tưởng đã khiến đội ngũ quản lý lẫn nhân viên Meta cực kỳ hào hứng. Thành công này cho thấy với 66.000 nhân viên và hệ thống hành chính cồng kềnh, Meta vẫn có thể hoạt động hiệu quả nhờ chính sách tinh gọn của Mark Zuckerberg.
Niềm vui trở lại
Phát triển vội vàng là thế nhưng khi ra mắt, Threads lại gây được tiếng vang lớn khiến Mark Zuckerberg lẫn đội ngũ trong Meta cực kỳ vui mừng. Nguyên nhân chính là do lần đầu tiên kể từ khi khởi nghiệp đến nay, bản thân Mark Zuckerberg cùng đội ngũ của mình đã tự tay phát triển được một nền tảng khác ngoài Facebook thu hút sự chú ý của công chúng.
Ngay sau khi số lượng người tham gia Threads bùng nổ, Mosseri đã phải hỏi lại đội ngũ quản lý rằng: “Số liệu này có đúng không thế? Ai đó có thể kiểm tra kỹ xem con số này có bị lỗi không?”
Sau khi kiểm tra chính xác, đội ngũ nhân viên bắt đầu đưa ra những dự đoán đầy tích cực cho khả năng tăng trưởng của Threads. Thậm chí lượng lớn người dùng đổ xô vào Threads còn gây ra một số trục trặc kỹ thuật nhỏ trong ngày đầu ra mắt.
Theo tờ Washington Post, Mark Zuckerberg thực tế đã coi Twitter là đối thủ từ lâu. Vào năm 2008, Facebook đã cố gắng mua lại nền tảng này với giá 500 triệu USD nhưng không thành công.
Đây là một điều khá bất ngờ với nhiều người khi Twitter với 237,8 triệu người dùng hàng ngày và doanh thu 5 tỷ USD khi đó chủ yếu hoạt động ở mảng chính trị-văn hóa Mỹ, vốn chẳng thể đọ nổi với ông lớn Facebook.
“Họ chưa trở thành một thế lực đe dọa như chúng tôi từng nghĩ”, ông Mosseri thừa nhận.
Vậy nhưng khi Elon Musk mua lại Twitter và gây lộn xộn cho nền tảng này thì các giám đốc của Meta bắt đầu nảy sinh hứng thú chia cắt miếng bánh thị trường của nền tảng này.
Thậm chí Mark Zuckerberg còn muốn Threads ra mắt từ tháng 1/2023, tức chỉ 2 tháng sau khi nảy sinh ý tưởng “chơi lớn”. Áp lực này đã khiến Mosseri phải khẩn cấp lấy người từ Messenger, Instagram và Facebook để lập một đội tập trung phát triển Threads.
Thành công của Threads khiến Mosseri nhớ lại những gì nhà đồng sáng lập Kevin Systrom của Instagram đã từng nói với ông vào năm 2018, rằng cách tốt nhất để vực dậy tinh thần công ty, vượt qua được các sai lầm và nỗi ám ảnh sa thải là tập trung phát triển một sản phẩm chất lượng cho người dùng.
“Ông đang tập trung quá nhiều vào quản lý nhân viên, trong khi thực tế là chỉ cần đưa ra những sản phẩm thành công và mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, ông Mosseri nhớ lại những gì Systrom nói.
*Nguồn: Washington Post