Bệnh nhân ung thư gan trên nền viêm gan B được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tại Đắk Lắk, trung bình một tháng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận và điều trị cho trên 30 bệnh nhân mắc viêm gan B dẫn tới ung thư gan. Hầu hết các bệnh nhân khi mắc viêm gan B đều không có triệu chứng vì bệnh tiến triển âm thầm, chỉ khi xuất hiện các triệu chứng như đau hạ sườn phải, chán ăn, vàng da... bệnh nhân nhập viện mới phát hiện mắc viêm gan B mạn tính và đã phát triển thành xơ gan, ung thư gan.
Trường hợp bệnh nhân Y.M.B (trú tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) dù chỉ mới 32 tuổi nhưng đã phải nhập viện điều trị vì ung thư gan. Trước khi nhập viện, ở nhà bệnh nhân bị đau bụng bên phải, nghĩ đau ruột thừa nên gia đình đưa đi khám tại phòng khám tư nhân và được thông báo gan có vấn đề.
Bệnh nhân đã tự đặt mua thuốc nam về uống nhưng không đỡ, đến khi các cơn đau trở nên dữ dội hơn thì gia đình mới đưa nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư gan trên nền viêm gan B.
Theo BSCKI. Nguyễn Viết Luân, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B gây ra. Đối với bệnh viêm gan virus có 5 loại gây ra bệnh gồm virus viêm gan A, B, C, D và E. Trong đó 2 loại virus viêm gan B và C là 2 loại có tỷ lệ nhiễm bệnh cao, diễn tiến bệnh âm thầm và dẫn tới các bệnh về gan cao hơn so với các loại khác.
Viêm gan B chủ yếu lây truyền từ mẹ sang con, lây qua đường máu và quan hệ tình dục không an toàn. Những người mẹ bị mắc viêm gan B có thể lây qua con trong quá trình mang thai hoặc khi sinh nở. Những người quan hệ tình dục không an toàn với những người mắc viêm gan B như không mang bao cao su hoặc có những vết loét, vết thương, hoặc sử dụng chung bơm kim tiêm, xăm môi, xăm mình…
Khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, nếu dưới 6 tháng là viêm gan siêu vi B cấp, còn trên 6 tháng là mạn tính. Đối với viêm gan cấp người mắc sẽ không có triệu chứng lâm sàng, một vài thể điển hình người bệnh có thể sốt, ăn uống kém, chán ăn, đau tức vùng gan, vàng da, vàng mắt… Còn viêm gan B mạn thông thường bệnh nhân không có triệu chứng, tuy nhiên bệnh diễn biến âm thầm qua nhiều năm, bệnh nhân không quan tâm đến tình trạng bệnh, một thời gian sau bệnh nhân sẽ có các triệu chứng nặng dần, lúc này bệnh đã nặng, điều trị rất khó khăn.
Bác sĩ Luân khuyến cáo: Đối với các bệnh nhân đang mắc bệnh viêm gan B cần hạn chế các thức ăn, đồ uống gây hại thêm cho gan như rượu bia, thực phẩm chứa các chất độc cho gan như nấm mốc. Cần thăm khám định kỳ để các bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai mắc viêm gan B cần thăm khám định kỳ để có thuốc điều trị phù hợp với tuổi thai, hạn chế sự lây nhiễm từ mẹ sang con.
Bệnh viêm gan B rất dễ lây truyền trong cộng đồng. Việc điều trị viêm gan B lâu dài, tốn kém, tuy nhiên bệnh có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine phòng bệnh và thực hiện các biện pháp an toàn khi chung sống với người mắc viêm gan B.
Bên cạnh việc tiêm vaccine, biện pháp phòng chung là cần vệ sinh, tiệt trùng các thiết bị y tế, không dùng chung bơm kim tiêm để hạn chế lây nhiễm, hạn chế tiếp xúc với máu và dịch tiết của những người mắc viêm gan B.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/can-phat-hien-va-dieu-tri-som-benh-viem-gan-b-a53092.html