Hiện nay, dù các sản phẩm thuốc lá mới chưa được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường chợ đen và trở nên phổ biến trong cộng đồng.
Việc buôn bán mất kiểm soát, trà trộn các chất độc hại, ma túy vào sản phẩm nhằm dụ dỗ giới trẻ… hiện đang tạo gánh nặng cho các cơ quan quản lý liên quan. Thực trạng này đã để lại cho xã hội nhiều lo ngại, nhất là khi giới trẻ đang là đối tượng chịu tác động trực tiếp.
Đưa thuốc lá điện tử vào quy định pháp luật
Tại hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” sáng 5/7, đại diện một số bộ, ngành liên quan cho rằng, nên cân nhắc, xem xét đưa các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử chịu chế tài của pháp luật, không đặt lợi ích kinh tế, nguồn thu của Nhà nước làm trọng tâm.
Việc sớm hiện thực hóa điều này sẽ giúp đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá đều chịu sự giám sát của luật pháp, tạo sự an tâm cho xã hội, tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trước thềm Hội nghị các bên về kiểm soát thuốc lá toàn cầu lần thứ 10 (COP10) sắp tới.
Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, khuyến nghị của WHO nêu rõ, thuốc lá làm nóng cần quản lý theo luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu thông thường, đó là Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012.
Xét trên góc độ luật trong nước, Luật cũng đã nêu rõ đối với các sản phẩm chứa thuốc lá thì cần chịu sự kiểm soát dưới luật. Ngoài Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012, còn có Luật Đầu tư 2020, Nghị định 67/2013 làm căn cứ pháp lý phục vụ cho việc quản lý thuốc lá làm nóng.
"Chúng ta cần tập trung quản lý để loại bỏ những sản phẩm nhập lậu bị lợi dụng để đưa chất cấm vào, bị kẻ gian dụ dỗ tiếp cận học sinh ở trường học. Đó là giải pháp quản lý hữu hiệu", ông Hải nói.
Bà Lê Thuỳ Linh - Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ, WHO, Bộ Y tế và các tổ chức bảo vệ sức khỏe khuyến cao, các loại thuốc lá mới đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người hút trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống. Hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là hình thức tiêu thụ thuốc lá.
Do vậy, căn cứ Điều 6 Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), WHO đã khuyến nghị các quốc gia cấm thuốc lá điện tử hoặc phải có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, hạn chế thuốc lá nung nóng.
Trường hợp có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì khuyến nghị áp dụng chính sách thuế như đối với mặt hàng thuốc lá thông thường để đảm bảo tăng giá bán và giảm nhu cầu sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, các loại thuốc lá thế hệ mới dù thí điểm hay chính thức đều là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bà Cúc đánh giá, việc đặt các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử vào khuôn khổ quy định phù hợp cũng giúp đảm bảo người dùng được tiếp cận với những sản phẩm chính danh, được kiểm soát chất lượng, tránh hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, cũng như thành phần bên trong sản phẩm.
Cần chính sách để quản lý
Chia sẻ về tầm quan trọng của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, hiện nay chưa có sản phẩm thuốc lá nào là không độc hại, vì vậy phải có các chính sách để quản lý.
"Thứ nhất là chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thứ hai là chính sách bảo vệ giới trẻ. Thứ ba là chính sách quản lý hàng hóa. Thứ tư là chính sách về đối ngoại, phải thực hiện những cam kết về nhân quyền, về môi trường theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết", ông Nhưỡng nói.
Nói về tiến độ của việc áp dụng hàng lang pháp lý phù hợp cho các sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, ông Trần Thành Trung - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2018-2019, Bộ Công Thương đã hoàn thiện đề tài nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với mặt hàng này.
Cụ thể, Bộ dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới trên cơ sở tiếp tục trao đổi để thống nhất với Bộ Y tế về dự thảo Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá, đề xuất quản lý thuốc lá làm nóng theo luật hiện hành như khuyến nghị của WHO.
Đối với thuốc lá điện tử do tính chất đa dạng về sản phẩm có thể có hoặc không có nicotine, cũng như không có nguyên liệu thuốc lá nên sẽ cần thẩm định về tính pháp lý trước khi thống nhất phương án kiểm soát phù hợp.
Theo ông Trung, hiện thuốc lá thế hệ mới chưa có chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành nhưng đã được bày bán trên thị trường và tiếp cận dễ dàng. Những sản phẩm này đa phần là hàng xách tay, nhập lậu, không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc.
Do đó, việc mua bán và quảng cáo các sản phẩm này đều là vi phạm quy định của pháp luật. Hệ quả là Nhà nước không thu được thuế, người dân sử dụng thuốc lá thế hệ mới lại không tiếp cận được những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không được kiểm soát về chất lượng dẫn tới ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Trung nhấn mạnh.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/hoan-thien-chinh-sach-quan-ly-de-kiem-soat-thuoc-la-the-he-moi-a51001.html