Trung Quốc, Ấn Độ ‘vớ bẫm’ nhưng đây mới là những người kiếm tỷ USD ‘trong 1 nốt nhạc’ nhờ dầu Nga

Các biện pháp trừng phạt của châu Âu đang giúp một nhóm người giàu lên nhanh chóng nhờ vận chuyển dầu thô của Nga.

Trung Quốc, Ấn Độ ‘vớ bẫm’ nhưng đây mới là những người kiếm tỷ USD ‘trong 1 nốt nhạc’ nhờ dầu Nga - Ảnh 1.

Một năm trước, các quốc gia phương Tây đưa ra quyết định quan trọng là giảm nhập khẩu dầu mỏ của Nga nhằm tước đi nguồn tiền mặt cần thiết của điện Kremlin. Quyết định này đẩy thị trường dầu mỏ toàn cầu vào tình trạng mất cân bằng nhu cầu, khiến giá dầu thô tăng cao.

Kết quả là, bất chấp nhiều luận điệu khoa trương về các “lệnh trừng phạt”, Nga đang xuất khẩu dầu thô nhiều hơn bao giờ hết cho những người mua như Trung Quốc, Ấn Độ.

Cách đây ít ngày, chính Goldman Sachs đã “bóc mẽ” phương Tây rằng các hành động trừng phạt kể trên có tác dụng rất hạn chế trong khi ở đằng sau, nhiều quốc gia châu Âu đang thiếu dầu. Họ thậm chí còn phải tìm mọi cách – trong vòng bí mật – để ngăn dầu Nga rời khỏi thị trường.

Kết quả là, sản xuất dầu thô của Nga phục hồi mạnh mẽ từ tháng 6/2022, khi các bên nhanh chóng tìm được các đội “tàu ma”, vốn không phụ thuộc vào dịch vụ hậu cần và tài chính của phương Tây.

Và tất nhiên, với việc dầu Nga liên tục chảy đến các thị trường cũ và mới, theo nhiều đường khác nhau, chính hạm đội “tàu ma” kể trên là một trong những người hưởng lợi nhiều nhất.

Theo Bloomberg, dầu thô chính của Nga hiện được bán thấp hơn giá áp trần của G7, đồng nghĩa Ấn Độ, Trung Quốc có thể mua bao nhiêu dầu tùy thích với giá thấp hơn các giao dịch mua dầu khác trên khắp thế giới. Một số tiền khổng lồ để vận chuyển số dầu này liên tục rơi vào tay những người trung gian bí ẩn.

Theo dữ liệu từ Argus Media, loại dầu Urals hàng đầu của Nga có giá trung bình khoảng 52 USD/thùng tại cảng Primorsk ở biển Baltic, mức chiết khấu khoảng 20 USD so với dầu Brent. G7 chỉ cho phép các công ty cung cấp dịch vụ chính như bảo hiểm và tàu chở dầu nếu các thùng dầu từ Nga có giá từ 60 USD trở xuống.

Trung Quốc, Ấn Độ ‘vớ bẫm’ nhưng đây mới là những người kiếm tỷ USD ‘trong 1 nốt nhạc’ nhờ dầu Nga - Ảnh 2.

Mức chênh lệch giữa giá xuất khẩu tại cảng và giá nhập khẩu dầu Urals từ Nga.

Tuy nhiên, Bloomberg nhận thấy khoảng cách giữa giá xuất khẩu và nhập khẩu ở Ấn Độ chênh nhau khoảng 12 USD/thùng, tính đến tháng 6/2023. Sự chênh lệch này đồng nghĩa khoảng 900 triệu USD mỗi tháng sẽ rơi vào tay một mạng lưới các công ty trung gian – là các thương nhân, người môi giới tàu và chủ tàu chở dầu – với các chi nhánh không rõ ràng.

Mức chênh này thậm chí còn lên đến 13 USD hồi tháng 5 và 15 USD hồi tháng 4. Họ chính là những người tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán dầu của Nga sang Trung Quốc, Ấn Độ.

Trung Quốc, Ấn Độ ‘vớ bẫm’ nhưng đây mới là những người kiếm tỷ USD ‘trong 1 nốt nhạc’ nhờ dầu Nga - Ảnh 3.

Chiết khấu cho dầu Urals của Nga đã giảm đi trong năm 2023.

EU cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển từ tháng 12/2022, cùng thời điểm lệnh áp trần giá được đưa ra. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn không thể cản được dầu Nga xuất khẩu đi khắp nơi. Họ sắp vượt qua Ả Rập Saudi trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc, đồng thời liên tục tìm được các người mua mới.

Trong quá trình này, những “người trung gian bí ẩn” đang trở nên cực kỳ giàu có, Trung Quốc, Ấn Độ mua được dầu giá rẻ để kiềm chế lạm phát trong nước còn người dân châu Âu lại bị “đè bẹp” bởi lạm phát.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/trung-quoc-an-do-vo-bam-nhung-day-moi-la-nhung-nguoi-kiem-ty-usd-trong-1-not-nhac-nho-dau-nga-a50679.html