Trong đó, nhóm nông sản chính 12,8 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản 4,1 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.
Đáng chú ý, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Trong đó gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.
Trong nửa đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 21,4% thị phần, tiếp đến Mỹ chiếm 20,2% và Nhật Bản chiếm 7,7%.
Xác định hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa để giải quyết kịp thời các vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu nông lâm, thủy sản.
Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các đơn vị đàm phán xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ, thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng xoài và thanh long để xuất khẩu sang thị trường này từ 1/8/2023. Cùng với đó, bộ sẽ tổ chức họp trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu; tổ chức tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra của châu Âu để đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam…