Thời gian qua, thương mại điện tử chứng kiến sự phát triển vượt bậc, với tốc độ lên đến 22%. Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng trong top 5 quốc gia đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử.
Tại toạ đàm "Thương mại điện tử: Cửa sáng cho doanh nghiệp lội ngược dòng" sáng 29/6, đánh giá về nguyên nhân chính giúp thương mại điện tử dường như "miễn nhiễm" với đà suy giảm tiêu dùng toàn cầu, ông Bùi Huy Dũng - Giám đốc Điều hành Công ty Accesstrade cho rằng, thương mại không đứng yên mà dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác.
"Chúng ta đã quen với mô hình giao dịch truyền thống, ra cửa hàng, tiếp nhận thông tin quảng cáo từ TV, biển bảng quảng cáo trong nhà hay ngoài trời", ông nói.
Ông Dũng dẫn những báo cáo trên thị trường cho thấy, thương mại điện tử đang có những dấu hiệu rất tích cực.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự đoán, hết 2023 và đến 2025, đà tăng trưởng chung của thương mại điện tử có thể đạt 25%. Đó là một trong những chỉ báo cho thấy chuyển dịch của người tiêu dùng và đà phát triển tích cực của thương mại điện tử từ nay đến 2025. Sẽ có một số yếu tố cố định đảm bảo cho tăng trưởng.
“Thứ nhất, các doanh nghiệp đã nhìn nhận thương mại điện tử là một kênh và cách thức mới để tiếp cận khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề với AccessTrade làm sao chuyển đổi số, "go online" như thế nào. Đặc biệt khi xuất hiện những nền tảng mới, họ cũng muốn sản phẩm được xuất hiện trên những kênh đấy. Các doanh nghiệp đang thích nghi rất nhanh”, ông Dũng cho hay.
Để phát triển thương hiệu trên các nền tảng thương mại điện tử, Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa - chuyên về thương hiệu và marketing, Đại học Kinh tế Tp.HCM nhận định, trước tiên, chủ doanh nghiệp phải tư duy đúng trước. Thực tế đang muôn hình vạn trạng. Không phải kinh doanh trên thương mại điện tử là giảm giá, cái gốc của việc tạo ra giá trị cho sản phẩm dịch vụ phải đi từ sáng tạo trong sản phẩm.
Doanh nghiệp cũng cần hiểu về "brand marketing" và "brand communication", cả hai đều dựa trên "product marketing". Nói nôm na, nếu có sản phẩm tốt, độc đáo, mang lại lợi ích cho khách hàng thì giá cao người ta cũng mua. Còn nếu thiếu sáng tạo, thiếu độc đáo thì dù lần đầu cho không, lần sau người ta cũng không mua.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp hiểu đúng về xây dựng thương hiệu trên thương mại điện tử thì xây dựng chiến lược giá không còn ngần ngại gì nữa. Ví dụ, một thương hiệu có thể giảm giá 50%, nếu thương hiệu mạnh có bản lĩnh và chiến lược lâu dài sẽ không ngần ngại việc giảm giá có thể gây ra băn khoăn ở người tiêu dùng.
Kế đến, câu chuyện làm thương hiệu trên thương mại điện tử, doanh nghiệp còn e dè với nhân lực thuê ngoài và mong muốn sở hữu đội ngũ nhân sự cơ học toàn bộ. Tuy nhiên, muốn làm được chuyện đó phải có người và có nguồn lực. Điều này doanh nghiệp khó lòng kham nổi. Mặt khác, khi làm việc với các đội ngũ tư vấn thì doanh nghiệp còn sự dè chừng, tạo ra một sự lẩn quẩn trong hoạch định chiến lược.
“Không có thương hiệu nào có thể sống thiếu hệ sinh thái nguồn lực hỗ trợ khi khai thác nền tảng số được. Doanh nghiệp không thể nào "nuôi" đội ngũ cơ học toàn bộ. Trước tiên phải bắt đầu từ tư duy đúng”, ông Nghĩa nhận định.
Trở lại gốc rễ nền tảng kinh doanh của doanh nghiệp, đặt vấn đề tính mục tiêu của kinh doanh. Ông Nghĩa chia sẻ, nhiều doanh nghiệp xây dựng chiến lược tăng trưởng mới với mô hình kinh doanh rất sáng tạo. Mặt khác có nhiều doanh nghiệp chỉ tạo ra kênh online rồi để đó, không đầu tư phát triển, sản phẩm trôi sao cũng mặc.
Như vậy, theo thời gian năm này qua năm khác, thương mại điện tử có những sự thay đổi liên tục, thì khi nhận ra, doanh nghiệp không biết làm thế nào để bắt kịp và dẫn đến hụt hơi. Trong khi đó, những doanh nghiệp có căn cơ, tính mục đích trong tăng trưởng kinh doanh rất rõ ràng, thay đổi rất nhanh và tối ưu từ nền tảng số.
Theo đó, ông Nghĩa gợi ý, để thương mại điện tử trở thành cửa sáng cho doanh nghiệp lội ngược dòng, doanh nghiệp cần phải tư duy lại cách chúng ta làm kinh doanh, marketing và thương hiệu. Nếu bên ngoài có đủ công cụ, đủ năng lực, mà bên trong không thông suốt về chiến lược và cách tiếp cận từ trên xuống dưới thì rất khó thành công.
"Suy cho cùng, cả cuộc chơi kinh doanh là cuộc cạnh tranh về thương hiệu, nếu lỗ về kinh doanh nhưng tài sản thương hiệu lớn thì có thể thành công về dài hạn. Với sự thay đổi rất nhanh về công nghệ, mô hình mới và sự bộc lộ bất cập của những mô hình cũ, doanh nghiệp phải tư duy lại toàn bộ và chuẩn bị cho một hành trình thích nghi với sự thay đổi, không thể áp dụng kinh nghiệm từ những gì bạn biết để ứng phó với những gì quá mới", ông Nghĩa nói.
Doanh nghiệp phải tiến về phía trước. Quan trọng, không kể quy mô nhỏ hay lớn, mọi doanh nghiệp đều phải tư duy về thương hiệu, dù chậm, bền, nhưng vẫn tạo ra giá trị và tạo được một thương hiệu bền vững.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-khong-phai-giam-gia-doanh-nghiep-can-tu-duy-dung-a50024.html