Nên làm gì nếu bị căng thẳng trong lúc làm bài thi

Căng thẳng khiến quá trình làm bài thi bị gián đoạn. Khi gặp những biểu hiện liên quan, bạn nên dừng vài phút để ổn định tâm trạng và lấy lại bình tĩnh.

Học sinh dễ bị căng thẳng trong phòng thi vì nhiều vấn đề khác nhau. Ảnh: Duy Hiệu.

Căng thẳng thi cử là một hiện tượng phổ biến ảnh hưởng đến học sinh ở mọi lứa tuổi. Cảm thấy lo lắng, căng thẳng trước và trong kỳ thi là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi căng thẳng quá mức, học sinh sẽ bị tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến sức khỏe, thành tích thi cử.

Theo Times of India, căng thẳng thi cử có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau.

Áp lực phải thi thật tốt: Học sinh có thể chịu áp lực từ bản thân, cha mẹ hoặc thầy cô. Các em cũng có thể áp lực do mong muốn đạt điểm cao để trúng tuyển trường đại học mong muốn. Sợ thất bại: Nhiều học sinh lo lắng về việc thi trượt, dẫn đến cảm giác lo lắng, căng thẳng. Nỗi sợ này có thể nghiêm trọng hơn với những học sinh học kém một số môn cụ thể hoặc những học sinh từng có trải nghiệm thi trượt. Thiếu sự chuẩn bị: Những học sinh không được chuẩn bị đầy đủ cho kỳ thi có thể cảm thấy căng thẳng vì bản thân mình chưa nắm vững những điều quan trọng như kiến thức, tâm lý, dụng cụ làm bài thi... Hạn chế về thời gian: Các kỳ thi luôn có giới hạn nhất định về mặt thời gian. Điều này có thể gây căng thẳng cho những học sinh không quen làm việc dưới áp lực.

Để giảm căng thẳng khi vào phòng thi, học sinh có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau.

Chuẩn bị kỹ càng trước khi vào phòng thi

Buổi tối trước ngày thi, bạn không nên ôn thi mà nên dành thời gian để thư giãn, thả lỏng cơ thể và đi ngủ sớm. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn những dụng cụ cần thiết để làm bài thi như thẻ dự thi, bút, thước, compa...

Thêm một lưu ý là trước khi thi, bạn nên đi vệ sinh trước để tránh tình trạng buổi thi bị gián đoạn vì phải xin giám thị ra ngoài.

Những điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn, tránh hoảng loạn vào buổi sáng và khiến tình trạng kéo dài đến lúc vào phòng thi và bắt đầu làm bài.

Hít thở sâu

Hít thở là phương pháp hiệu quả để giảm căng thẳng và lấy lại bình tĩnh. Khi vào phòng thi, nếu bạn căng thẳng đến mức không làm bài được, bạn nên dừng lại vài phút để hít thở sâu.

WebMD gợi ý cho bạn 5 bước hít thở để giúp bạn giảm bớt áp lực ngay lập tức.

Bước 1: Ngồi ở tư thế thoải mái, hai tay thả lỏng đặt trên đùi, chân đặt trên sàn nhà. Bước 2: Nhắm mắt lại. Bước 3: Tưởng tượng bạn đang ở một nơi mà bạn cảm thấy thoải mái, ví dụ bãi biển, đồng cỏ hoặc rừng cây. Bước 4: Từ từ hít sâu và thở ra. Bước 5: Lặp lại điều này vài lần nếu bạn vẫn còn căng thẳng.

Không nên vội vàng

Vội vàng sẽ khiến tình trạng của bạn tệ hơn. Bạn sẽ trở nên căng thẳng tột độ và không thể tập trung làm bài.

Vì thế, khi cảm thấy bản thân có những biểu hiện căng thẳng như tim đập mạnh, đổ mồ hôi, choáng váng, bồn chồn... Bạn nên dừng làm bài khoảng 1-2 phút để tập hít thở theo các bước nêu trên, đồng thời giảm tốc độ làm bài.

Bạn có thể uống thêm nước để bù nước cho cơ thể. Đây cũng là cách giúp cơ thể khỏe hơn, tránh bị đau đầu do mất nước.

Khi làm bài thi, bạn chỉ nên làm từ những câu đơn giản đến những câu hỏi khó, tránh ép mình làm trước những câu khó gây mất thời gian và khiến tinh thần hoảng loạn hơn.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nen-lam-gi-neu-bi-cang-thang-trong-luc-lam-bai-thi-a49585.html