Người tiêu dùng được sử hữu những quả vải đảm bảo quy trình, chất lượng tốt nhất. Còn người nông dân lại có thị trường tiêu thụ ổn định.
Khi những tấm biển được treo lên đồng nghĩa với việc cây vải đã có chủ sở hữu. Khách hàng mua cây khi đi thăm quan vườn vải từ đầu vụ hoặc lúc quả đang còn xanh. Khi vải chín, khách có thể đến tận nơi thu hoạch hoặc có thể "bán" lại cho người khác.
"Mua cả cây rất tiện lợi cho bà con nhân dân, thu hái gọn gàng, đơn giản. Chúng tôi bán cây nào, gọn cây đấy", ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang, chia sẻ.
Hộ gia đình ông Sơn là 1 trong 9 hộ tham gia sản xuất vải thiều hữu cơ xuất khẩu với diện tích trên 10 ha. Nhờ chất lượng tốt nên nhiều khách du lịch đến tham quan và mua cả cây vải.
Với mô hình này "cây vải vườn nhà", người bán và người mua đều được hưởng lợi. (Ảnh: VOV)
Dù năm nay, mô hình "cây vải vườn nhà" mới được triển khai lần đầu tiên, nhưng tiềm năng và hiệu quả đã được chứng minh. Đây cũng là mô hình khai thác nông nghiệp đa giá trị được nhân rộng trong thời gian tới.
"Để làm được nhiệm vụ đó, thứ nhất là làm tốt công tác quy hoạch. Quy hoạch các vùng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào thâm canh cây vải", ông Đặng Văn Tặng, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bắc Giang, cho biết.
"Đây là một kênh tiêu thụ tại chỗ, một kênh đặc biệt, bởi khi người ta trải nghiệm có thể thấy vải chất lượng tốt, người nông dân có trách nhiệm, như vậy sẽ lan tỏa dần", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định.
Ở mô hình này, người bán và người mua đều được hưởng lợi. Người tiêu dùng mua 1 cây vải cũng đồng nghĩa mua cả trải nghiệm của người chủ vườn, được tận tay thu hái cây vải vườn nhà.
Còn với nông dân, họ chỉ việc yên tâm chăm sóc, bởi trái vải đã có nơi tiêu thụ ngay từ đầu vụ.