Khởi sắc xuất khẩu gạo Việt
Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, 5 tháng qua, xuất khẩu gạo đã mang về hơn 2 tỷ USD, tăng 49% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện xuất khẩu gạo Việt Nam đang tiếp tục khởi sắc nhờ các nhà máy liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đi vào các phân khúc có giá bán khá tốt.
Châu Phi là một trong những thị trường tiềm năng mà Công ty TNHH Việt Hưng, Tiền Giang đã và đang hướng tới. Cùng với Trung Quốc, Trung Đông, Philippines… việc mở rộng nói trên đã giúp doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Hiện xuất khẩu gạo Việt Nam đang tiếp tục khởi sắc. Ảnh minh họa.
Hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ từ 10 - 50 USD/tấn. Việc đầu tư chế biến trên 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao để xuất khẩu vào các thị trường khó tính đã và đang giúp hạt gạo Việt có sức cạnh tranh tốt hơn.
Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, các nhà máy gạo trong nước đã xuất khẩu gần 40.000 tấn gạo thơm, chất lượng cao sang EU, Hàn Quốc… với giá cao nhất là 1.250 USD/tấn, thấp nhất là 700 USD/tấn. Trong xu thế tăng trên toàn thế giới về nhu cầu lương thực, các doanh nghiệp dự báo, thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục khởi sắc.
Để hạt gạo Việt vươn xa
Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo cũng tác động tích cực tới thị trường trong nước. Vài năm trở lại đây người trồng lúa được mùa, được giá. Đáng chú ý biên lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp đang tỷ lệ thuận với nhau nhờ có sự liên kết, chia sẻ, hướng mục tiêu phát triển bền vững hạt gạo Việt.
Một cánh đồng tại Đồng Tháp được sản xuất theo chuỗi liên kết. Tham gia mô hình, anh Hà Hùng Cường được doanh nghiệp hỗ trợ chi phí vật tư đầu vào, tư vấn kỹ thuật canh tác tiết kiệm và hiệu quả.
"Năng suất được hơn 8 tấn trên một mẫu, lợi nhuận cũng phải 20 - 22 triệu đồng. Nhờ kỹ thuật với bên Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau cây lúa phát triển tốt và lá đứng, thân đứng, ít đổ ngã...", anh Cường chia sẻ.
Diện tích trồng lúa tại ĐBSCL giảm nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng. Ảnh minh họa.
Tại ĐBSCL, hiện lợi nhuận của người trồng lúa đã vượt xa con số 30%. Ngoài canh tác tiết kiệm, việc nông dân liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sản xuất và có hợp đồng bao tiêu hẳn hỏi. Cam kết cao hơn giá bên ngoài là yếu tố quyết định tới lợi nhuận bền vững của bà con.
Nếu như năm 2015, diện tích lúa của ĐBSCL khoảng 4,3 triệu ha, nay con số này đã giảm còn dưới 3,8 triệu ha. Đáng chú ý là diện tích giảm nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng.
Đặc biệt, lợi nhuận của các thành phần trong chuỗi lúa, gạo đang tỷ lệ thuận với nhau. Qua đó cho thấy, hạt gạo Việt đang phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững.