Trong một thông báo được đưa ra vào ngày 13/6 vừa qua, Toyota cho biết hãng sẽ sớm ứng dụng công nghệ pin mới nhằm cải thiện phạm vi di chuyển của xe điện đồng thời giảm chi phí sản xuất. Động thái này sẽ giúp các loại xe điện Toyota trong tương lai trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng.
Thời điểm Toyota công bố thông tin này là một ngày trước khi đại hội cổ đông thường niên được tổ chức. Ban lãnh đạo hãng xe Nhật đang cho thấy định hướng tập trung chủ yếu vào chiến lược phát triển xe điện và những công nghệ xoay quanh loại xe này. CEO mới là ông Koji Sato thể hiện quyết tâm bắt kịp Tesla - cái tên đang giữ vị thế dẫn đầu trong ngành xe điện tại thời điểm này.
Toyota cho biết, hãng sẽ phát triển song song 3 loại công nghệ pin xe điện với mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu cũng như lựa chọn cho khách mua xe, đồng thời tối ưu chi phí sản xuất. Loại đầu tiên vẫn là pin thể lỏng lithium-ion nhưng là "thế hệ mới", có thể mang lại quãng đường di chuyển lên tới 1.000 km trong một lần sạc. Để so sánh, phiên bản xe chạy được xa nhất của Tesla hiện nay là mẫu Model Y chỉ có thể đi được 530 km. Toyota đặt ra mục tiêu ứng dụng pin lithium-ion thế hệ mới này sớm nhất vào năm 2026.
Bên cạnh pin lithium-ion quen thuộc, Toyota cũng đầu tư phát triển thêm loại pin LFP (Lithium Ferrous Phosphate - lithium sắt phốt phát). Đây vẫn là pin thể lỏng, có hiệu suất tốt hơn lithium-ion nhưng chi phí sản xuất cao hơn. Vì vậy pin LFP sẽ được "để dành" cho những dòng xe từ cao cấp trở lên, bao gồm cả nhãn xe Lexus.
Cuối cùng, công nghệ pin "tối thượng" mà Toyota muốn đạt tới là pin thể rắn, có khả năng cung cấp quãng đường di chuyển lên tới 1.200 km trong một lần sạc và thậm chí có thể sạc đầy hoàn toàn chỉ trong vòng 10 phút. Ngay cả hệ thống sạc tiên tiến nhất hiện nay là Tesla Supercharger cũng phải mất 15 phút để sạc lại năng lượng đủ cho khoảng 320 km di chuyển.
Toyota khẳng định rằng họ đã "tìm ra giải pháp đột phá" cho những vấn đề liên quan đến độ bền của pin thể rắn. Do đó hãng xe Nhật tự tin đặt ra mục tiêu sẽ cho sản xuất hàng loạt pin thể rắn và đưa chúng vào xe điện để bán ra thị trường trong khoảng thời gian 2027 - 2028.
Để đạt được thành tựu với chiến lược tập trung vào xe điện, Toyota cũng buộc phải thay đổi cách thức sản xuất. Lãnh đạo tập đoàn cho biết họ sẽ triển khai nền tảng khung gầm chuyên cho xe điện hoàn toàn mới, đồng thời sẽ được sản xuất bởi một dây chuyền hiện đại và tối ưu hơn.
Theo đó, dây chuyền sản xuất xe điện của Toyota sẽ trực tiếp ứng dụng nhiều công nghệ tự lái tiên tiến. Các mẫu xe đang trong quá trình lắp ráp sẽ có thể tự lái giữa các khu vực khác nhau trong phạm vi nhà máy, không cần đến sự can thiệp của con người.
Hãng xe Nhật cũng sẽ ứng dụng phương pháp đúc khuôn nguyên chiếc cỡ lớn "Giga-casting", lấy cảm hứng từ cách sản xuất xe được sáng tạo bởi Tesla. Với phương thức này, độ phức tạp trong quá trình sản xuất được giảm bớt, qua đó giảm thiểu chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm ở mức tốt.
Toyota còn phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà cung ứng bên thứ ba như Aisin hay Denso nhằm sử dụng những loại linh kiện tối ưu cho xe điện. Một ví dụ điển hình là eAxle - cấu trúc tổng hợp của hộp số, mô-tơ truyền động và bộ biến tần được tích hợp gọn gàng thành một thể thống nhất - do Aisin chế tạo nay đã bước sang thế hệ thứ 3 và sẽ luôn được ưu tiên cung cấp cho Toyota.
Dù vậy, đợt này Toyota vẫn chưa đưa ra mức chi phí đầu tư dự kiến để có thể đạt được những mục tiêu nêu trên.
Vũ Long
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/toyota-nghien-cuu-pin-the-ran-cung-cap-sac-sieu-nhanh-trong-10-phut-a48660.html